Spiri đã kể chuyện đi học của con mình cũng như của những bậc phụ huynh người nước ngoài khác đang sinh sống ở Nhật Bản để cho thấy một góc nhìn khác về nền giáo dục của đất nước Mặt Trời mọc.
Dưới đây là bài viết của ông bố, nhà giáo dục John Spiri đăng tải tại tờ "Japan Times". Ngoài sách giáo khoa tiếng Anh, ông còn nghiên cứu, viết và xuất bản hai bộ sách mang tên “Asians at Work” và “Japanese at Work”.
Quy định đội mũ bảo hiểm khi đi bộ tới trường: Hai cậu con trai của tác giả bài viết được yêu cầu đội mũ bảo hiểm khi đi bộ tới trường – đoạn đường mất 5 phút đi bộ. Nhưng những quy định như thế này không phù hợp với Vincent (trái), vì thế bố mẹ cậu quyết định cho con trai theo một chương trình học tại nhà. |
Khi con trai lớn của tôi – Vincent – bước vào trường tiểu học Nhật Bản, tôi và vợ đã phải đối mặt với một vấn đề.
Những bộ đồng phục theo phong cách quân đội, sự khắt khe của các huấn luyện viên thể thao và những quy định khắc nghiệt khác không phù hợp với tính cách của Vincent – một cậu bé có vẻ thích hợp với môi trường trường học ở Mỹ hơn. Ngoài vấn đề đó ra, thằng bé không gặp bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào khác. Chúng tôi lại không sống gần bất kỳ ngôi trường tư thục nào, nên trường địa phương dường như là lựa chọn duy nhất của chúng tôi.
Sau đó, tôi tình cờ biết đến Oak Meadow, một trường học trực tuyến dành cho trẻ từ mầm non tới lớp 12. Học sinh có thể sử dụng chương trình học ở nhà một cách độc lập hoặc có thể gửi kết quả học tập của mình tới đây và nhận bằng tốt nghiệp như bình thường.
Chúng tôi chọn chương trình thứ hai, nghĩa là Vincent sẽ đưa bài tập của mình lên Google Docs để giáo viên thấy được và đưa ra nhận xét. Phụ huynh được khuyến khích không kiểm tra bài tập của con trước giáo viên để họ có thể thấy được bài làm nguyên bản của trẻ. Mặc dù có nguồn gốc “hippie”, nhưng Oak Meadow vẫn là một ngôi trường được công nhận. Chương trình giảng dạy “lấy trẻ làm trung tâm, đầy đam mê và cấp tiến” của trường chính xác là phương pháp mà chúng tôi đang tìm kiếm.
Năm nay, vào lớp 8, Vincent đang học toán, các môn khoa học và xã hội trên các trang web học tập trực tuyến như Khan Academy – một nền tảng trực tuyến miễn phí đã mở rộng sang các môn học khác ngoài toán; Lingoda – một trang web học ngôn ngữ mà thằng bé dùng để học tiếng Tây Ban Nha qua Skype; Viện tiếng Nhật online – dùng để chuẩn bị cho bài thi N2 tiếng Nhật; và các video dạy vẽ trên website Great Courses Plus. Với âm nhạc, Vincent tới các lớp piano.
Về việc kết bạn, thằng bé tương tác online với đám bạn trong hội chơi trò Minecraft. Khác với câu em trai – người sẽ theo học ở một trường trung học cơ sở ở địa phương vào năm học tới, việc thiếu tương tác với những đứa trẻ ‘bằng da bằng thịt’ thực sự là một trở ngại đáng kể với Vincent.
Giáo dục trực tuyến – hình thức giáo dục đang chuẩn bị cho Vincent hành trang để theo học một trường trung học ở Mỹ - đã cho các gia đình người nước ngoài những lựa chọn khác ngoài các trường công, tư thục hay quốc tế của Nhật Bản.
Tôi từng nói chuyện với nhiều bậc phụ huynh – những người đã chọn cho con cái mình nhiều con đường giáo dục khác nhau, để tìm hiểu sâu hơn về việc các trường học Nhật Bản có thực sự hiệu quả hay không.
Lạc hậu hay hiệu quả?
Cậu con trai của chị Mary Nobuoka (phải) học nhóm cùng một người bạn. Cậu liên kết xã hội tốt nhưng tránh tham gia các câu lạc bộ ở trường. |
Các bậc phụ huynh người nước ngoài thực sự lo ngại trước chất lượng dạy tiếng Anh ở trường học Nhật Bản. Theo ý kiến của Jessie James Lucky, một ông bố 2 con từng là trợ giảng ngôn ngữ một thời gian dài ở các trường tiểu học và trung học cơ sở của Nhật, “hầu hết các lớp tiếng Anh đều là một thứ mà không ai đáng phải chịu đựng”.
Học sinh Nhật Bản đạt điểm rất kém so với hầu hết học sinh các nước trong bài kiểm tra năng lực tiếng Anh TOEFL. Năm 2016, điểm số trung bình của những người tham gia thi TOEFL của Nhật Bản là 71, chỉ cao hơn Lào, một số quốc gia châu Phi và Trung Á.
Tuy nhiên, những chỉ trích của Lucky – giống như nhiều phụ huynh nước ngoài khác – còn không dừng lại ở những thất bại trong môn tiếng Anh.
“Các giáo viên được giao nhiệm vụ làm đầy bộ não của trẻ bằng những kiến thức giống như quy trình của một nhà máy” – anh nói. “Có ít thời gian hay động lực để các giáo viên xác minh hay cập nhật những kiến thức này khi họ được công nhận và tuyển dụng”.
Tuy nhiên, không phải tất cả phụ huynh nước ngoài đều đồng ý như vậy. Chị Mary Nobuoka – mẹ của một cậu bé đang học năm cuối trung học cơ sở - cảm thấy giáo dục ở đất nước này tốt hơn so với nền giáo dục ở quê hương chị.
“Từ “nghiêm ngặt” đã bị ném bỏ trong các trường học của Mỹ” – chị nói.
Chị Nobuoka chỉ ra rằng, trong suốt kỳ nghỉ hè – chỉ dài 1 tháng ở Nhật Bản so với 3 tháng ở Mỹ, bọn trẻ vẫn được ôn tập bằng bài tập về nhà và các dự án.
“Có năm con trai tôi làm pin chanh, còn 2 năm khác thằng bé vẽ tranh”.
Một người bạn của chị Nobuoka thì khẳng định rằng một đứa trẻ không học trong hệ thống trường tiểu học của Nhật thì không thể là “người Nhật”. Các yếu tố chính của hệ thống trường học công ở Nhật là học sinh giúp lau dọn trường học, tự phục vụ bữa trưa, được yêu cầu chào đón và giúp đỡ người khác, được kỳ vọng sẽ tham gia một câu lạc bộ.
Trong khi Nobuoka ngưỡng mộ những yếu tố này thì điều khiến trải nghiệm của con trai chị khác với những học sinh Nhật Bản bình thường khác là cậu bé phát triển tốt về mặt xã hội nhưng lại tránh tham gia các câu lạc bộ của trường. Với đòi hỏi của một số câu lạc bộ, thời gian rảnh rỗi của học sinh sẽ là số không – một tình huống khó chịu, ít nhất là với quan điểm của một phụ huynh phương Tây.
Mặc dù bạn bè cậu bé cực kỳ bận rộn với các hoạt động của câu lạc bộ - có thể là một môn thể thao, một trò thủ công hay một sở thích, nhưng chúng vẫn thường xuyên tụ tập. Con trai chị dạy các bạn hip-hop, và thỉnh thoảng chúng xuất hiện trên kênh YouTube của cậu bé. Một video trong số đó thậm chí còn được chiếu ở Liên hoan phim ĐH Nagoya.
Chị Nobuoka cũng bác bỏ một điều thường khiến các phụ huynh nước ngoài lo lắng nhất về các trường công Nhật Bản: học sinh không được dạy tư duy phản biện. Cô đưa ra bằng chứng: học sinh Nhật Bản vượt trội trong bài kiểm tra PISA – “một bài kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện, chứ không chỉ là một bài thi trắc nghiệm”.
Kết quả PISA 2015 cho thấy Nhật Bản đứng ở vị trí gần đầu bảng xếp hạng. So với năm 2012, điểm số của học sinh Nhật tăng lên ở môn khoa học, giúp Nhật Bản giành vị trí thứ 2 chỉ sau Singapore. Trong khi đó, chỉ có vài quốc gia có điểm số môn đọc và toán cao hơn Nhật.
Tuy vậy, thứ nằm sau bảng xếp hạng ấn tượng này vẫn là một câu hỏi gai góc. Điều gì đã xảy ra với “những kẻ thua cuộc” trong hệ thống này? Ví dụ như, ước tính có khoảng nửa triệu “hikikomori” (những người giam mình trong phòng hơn 6 tháng) trong độ tuổi từ 15 tới 39 ở Nhật Bản. Tệ hơn, tỷ lệ tự tử của Nhật Bản cao hơn tỷ lệ trung bình của thế giới là 60%. Lựa chọn nào ở ngoài kia dành cho những đứa trẻ không cảm thấy chúng thuộc về một trường công của đất nước này?
Khi trường công thất bại
Trong khi các giáo viên đang thúc ép bọn trẻ phải xuất sắc trong việc học tập lẫn trong các câu lạc bộ thì Yuuli không phù hợp với bất cứ chỗ nào trong 2 chỗ này. Cậu bé bắt đầu với việc cắt thủy tinh, rồi cuối cùng tự cắt vào da thịt mình.
Tình hình ngày một tệ hơn khi cậu trở thành “futoko” – những đứa trẻ không muốn tới trường. Trong số bạn cùng lớp của Yuuli có không dưới 12 đứa đã trở thành “futoko”. Con số này chỉ như một giọt nước giữa đại dương 100.000 đứa trẻ trên khắp thế giới đang học ở nhà.
Gặp một loạt vấn đề trong đó có hội chứng Asperger, Yuuli từ một đứa trẻ không muốn tới trường trở thành một kẻ tự giam mình trong phòng, tự hủy hoại bản thân, rồi tự sát.
“Trường học làm thằng bé thất vọng” – mẹ cậu nói.
Bà không có ấn tượng gì đặc biệt về những năm tháng tới trường của 3 đứa con lớn, nhưng với Yuuli, bà đã trải nghiệm sự thất bại của toàn bộ hệ thống giáo dục.
“Họ dường như không quan tâm” – bà nói. “Phải mất một năm rưỡi họ mới nói với tôi rằng trường có một chuyên gia tư vấn tâm lý. Cô ấy không giúp được gì nhiều, nhưng cuối cùng giáo viên chủ nhiệm đã giới thiệu chúng tôi tới một chương trình tiếp cận cộng đồng”.
Chương trình này đã giới thiệu cậu tới Trường Trung học Văn hóa và Nghệ thuật Kansai – hay còn gọi là Kanbun, một ngôi trường quốc tế ở Osaka có liên kết với mạng lưới Trường Clark và được thành lập bởi nhà leo núi Yuichiro Miura – người cao tuổi nhất từng chinh phục đỉnh Everest.
Có hơn 11.000 đứa trẻ ở Nhật Bản theo học ở một Trường Clark. Hệ thống trường này được đặt tên theo nhà giáo dục người Mỹ thế kỷ 19 William S. Clark – người nổi tiếng với câu nói: “Các cậu bé, hãy tham vọng”. Mục đích của trường là khuyến khích người trẻ tìm kiếm và theo đuổi niềm đam mê của mình, mà không cần quan tâm quá nhiều tới điểm số hay những phương pháp tiếp cận cứng nhắc của hệ thống giáo dục công lập.
Với cách tiếp cận toàn diện hơn, Yuuli tìm thấy và theo đuổi niềm đam mê của mình với chiếc kèn “clarinet”. Tại lễ tốt nghiệp, đứa trẻ với căn bệnh Asperger này – người từng bỏ nhà đi với ý định tự tử - đã đóng vai trò MC, tương tác với đám đông bằng âm nhạc. Sau tiết mục trình diễn “clarinet” dài 9 phút, thầy hiệu trưởng nói với cậu rằng, ông trông đợi một ngày nào đó sẽ được trả tiền để nghe cậu biểu diễn.
Mẹ Yuuli nói, cộng đồng Kanbun, các giáo viên, học sinh ở đây hoàn toàn chấp nhận con người của mỗi đứa trẻ, từ những thói quen xấu nhất. Họ khuyến khích sự nỗ lực và việc xây dựng mối quan hệ thay vì điểm số học tập.
Trong khi Kanbun và những ngôi trường tương tự có mức học phí 1 triệu yên/ năm trở lên thì học phí các trường công cũng không phải là rẻ. Karl Hedberg – một ông bố đang sinh sống ở Nhật Bản – cho biết, vợ cũ của anh từng đưa cho anh hóa đơn 500.000 yên tiền học phí trường công cho 2 con gái.
Vừa làm mẹ vừa làm cô giáo
Bà mẹ người Mỹ Diane Tincher đang dạy các con học tại nhà. |
Chị Diane Tincher đã từng xây dựng chương trình giảng dạy riêng cho 4 đứa con của mình. 4 đứa trẻ người Mỹ của chị từng học tại nhà trong thời gian sống ở Nhật Bản, trong đó có một đứa từng đi học trường công. Động lực để chị cho con học ở nhà gồm có: lý do tôn giáo, tính tiên quyết của giáo dục và những lo ngại về sự cứng nhắc của trường công Nhật Bản. Với những lớp học lên tới 40 học sinh, Tincher cảm thấy chị có thể dạy con mình hiệu quả hơn.
Tincher tiếp tục lưu ý rằng, bọn trẻ nhà chị có thể gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội, nhưng chúng đã chứng minh được khả năng học thuật của mình so với bạn bè cùng trang lứa. Hiện tại, cả 3 đứa con của chị đều là những người thành đạt. Một người từng nhận được học bổng trường luật, và cả ba hiện đều đang có sự nghiệp ổn định với thu nhập tốt.
Trong khi đó, cậu con trai từng học trường công đã phải vật lộn với cú sốc văn hóa trong trường đại học ở Mỹ và cuối cùng được chẩn đoán bị “trầm cảm tạm thời”.
Tuy vậy, chị Tincher không cho rằng học ở nhà sẽ ưu việt hơn.
“Tôi đã đánh cắp của bọn trẻ cơ hội được giao lưu xã hội, được có bạn bè, tham gia các câu lạc bộ” – chị giải thích. Tuy nhiên, bà mẹ này cũng cho rằng, những đứa trẻ đi học trường công lại có tính kỷ luật rất ấn tượng.
Cậu con trai từng học trường công của chị sau đó cũng đã rất xuất sắc. Cậu nhận được học bổng toàn phần của một trường đại học Mỹ - nơi mà cậu là người thành lập và điều hành hiệp hội kinh tế của trường. Cậu được giới thiệu vào Hiệp hội Kinh tế quốc tế, sau đó tốt nghiệp ngành kinh tế.
Dường như mỗi đứa trẻ đều có một số mệnh mà việc tới trường hay học ở nhà đều không ảnh hưởng tới nó.
Rắc rối ở nước ngoài
Học ở trường, bài tập về nhà, các câu lạc bộ - trường học đang thống trị cuộc sống của những đứa trẻ. Cánh tay nối dài của trường học có thể không cho phép bọn trẻ ra khỏi khỏi nhà trước 9 giờ sáng trong suốt kỳ nghỉ hè, yêu cầu chúng phải đội những chiếc mũ bảo hiểm khi đi bộ tới trường. Đây cũng là hai vấn đề khiến gia đình tôi bối rối. Giáo viên thì đi “săn mồi” trong một công viên gần đó, tìm kiếm những đứa trẻ vi phạm bất cứ nội quy nào của trường, thường là liên quan tới đồng phục.
Một ông bố - người từng sống gần 40 năm ở Nhật Bản – và con trai ông, Kelly, cảm thấy các trường học của Nhật đang kiểm soát học sinh quá mức.
“Con trai tôi không được phép ở lại nhà bạn vào cuối tuần. Đó là một quy định của trường. Tôi không hiểu lý do của quy định đó” – ông nói.
Mặc dù Kelly không gặp bất cứ vấn đề gì nghiêm trọng, song cậu cũng không thể tiếp tục sống ở Nhật Bản. Tuy nhiên, cuộc sống ở trường nội trú bên Mỹ thì sụp đổ quá nhanh.
“Kelly hoàn toàn mất kiểm soát với việc hút cần sa” – ông bố nói. Cuối cùng, cậu bị trục xuất.
Rõ ràng là trong trường hợp của Kelly, học ở nước ngoài không mang lại hiệu quả mong muốn về mặt học thuật. Dù tốt dù xấu thì bây giờ Kelly cũng đang là một người dạy lặn trên một hòn đảo của Việt Nam.
Để đảm bảo sự riêng tư, “Yuuli” và “Kelly” là tên giả được đặt cho nhân vật.
Nguồn: Vietnamnet