SGK chương trình mới có nhiều chất liệu hay để phát triển toàn diện người học
Th.năm, 17/10/2024, 14:42 Lượt xem: 442

Phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh là những tiêu chí cần có ở một bộ SGK mới nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 

Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có điểm khác biệt khi tiêu chuẩn, yêu cầu và mục tiêu đề ra là tiếp cận phẩm chất, năng lực người học. Theo đó, sách giáo khoa của Chương trình 2018 có vai trò vừa là nguồn tài liệu tham khảo, vừa là sự triển khai cụ thể hóa chương trình.

 

Hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cho người học
 

Ảnh minh họa. Nguồn: Đỗ Quyên.

 

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thanh Bình - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho biết: Đối với người học, sách giáo khoa đóng vai trò là nguồn cung cấp kiến thức chính thống, được hệ thống hóa một cách khoa học và logic. Theo đó, học sinh có thể tự học, ôn tập bài và làm bài tập dựa trên các cơ sở kiến thức, lý thuyết trong sách giáo khoa. Bên cạnh đó, sách giáo khoa thường có các ví dụ minh họa, bài tập, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức và rèn luyện kỹ năng.
 

Còn đối với người dạy, sách giáo khoa cung cấp một hệ thống kiến thức cơ bản, đầy đủ và được chuẩn hóa theo chương trình giáo dục. Đây là nền tảng vững chắc để giáo viên xây dựng bài giảng, truyền đạt kiến thức cho học sinh; là một kênh tài liệu tham khảo chính thống để học tập, giảng dạy.
 

Việc chuẩn bị bài giảng trở nên dễ dàng hơn khi có sách giáo khoa, bởi giáo viên có thể tập trung thời gian để thiết kế các hoạt động học tập hấp dẫn cho học sinh dựa trên mục tiêu những nội dung kiến thức cần đạt được.
 

Có thể thấy, tuy mỗi giáo viên có hình thức xây dựng bài giảng đa dạng, phong phú khác nhau, nhưng sách giáo khoa là phương tiện giúp định hướng, đảm bảo thống nhất trong mục tiêu giáo dục, truyền đạt kiến thức cho các em học sinh cùng hướng tới một đích đến.
 

Chẳng hạn, với bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Siêu được phát huy nhiều kỹ năng then chốt, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của mỗi cá nhân trong quá trình học tập.
 

Cô Trần Thanh Bình cùng các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Siêu. Ảnh: NVCC.

 

Trước hết, các em được rèn luyện khả năng tư duy độc lập. Cô Trần Thanh Bình đánh giá, sách giáo khoa mới thường đặt ra nhiều câu hỏi mở, khuyến khích học sinh tự tìm tòi, khám phá thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Qua đó, các em được rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, nhận xét để đưa ra kết luận.

 

Thứ hai, học sinh được giáo dục về năng lực giải quyết vấn đề và kích thích sự sáng tạo. Vì bộ sách cung cấp nhiều tình huống thực tế, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức để tìm ra giải pháp. Người học được khuyến khích đưa ra những ý tưởng mới, cách làm mới để giải quyết vấn đề.

 

Thứ ba, học sinh được trau dồi năng lực hợp tác. Bởi nhiều hoạt động trong bộ sách giáo khoa yêu cầu các em tham gia làm việc nhóm, giúp rèn luyện kỹ năng giao tiếp, chia sẻ, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác.
 

Đồng hành cùng quá trình học tập và phát triển của các con, phụ huynh cũng được tìm hiểu về các bộ sách, theo dõi quá trình giảng dạy qua những trải nghiệm của thầy cô đứng lớp, từ đó cha mẹ cũng an tâm và tin tưởng gửi gắm con em.

 

Chị Trần Thu Huyền - phụ huynh có con học lớp 4 tại Trường Phổ thông liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Ngôi sao Hà Nội chia sẻ: “Xét về nội dung trình bày và hình thức in ấn, các con sử dụng bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn nhìn chung có chất lượng tốt, đã đáp ứng được các yêu cầu chung của chương trình giáo dục mới”.

 

Các con được định hướng, chuyển cách thức từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực trong cuộc sống hiện tại và tương lai, nhưng không xem nhẹ vai trò của kiến thức.
 

Cụ thể, theo chị Thu Huyền, như trong sách giáo khoa môn Toán, lớp 4, tập một, ở bài 11 với chủ đề “Hàng và lớp” (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), nội dung toán học được minh họa, trình bày, lồng ghép với những hình ảnh sinh động, phong phú. Ngoài ra, những con số đó được liên hệ với dân số của nước Hy Lạp và Việt Nam, giúp học sinh tích lũy được thêm kiến thức xã hội, cũng như dễ dàng hình dung ý nghĩa bài học hơn.

 

Ảnh minh họa.

 

Còn trong sách giáo khoa môn Lịch sử và Địa lý, lớp 4, ở bài 9, chủ đề bài học “Dân cư và hoạt động sản xuất ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ” (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), kiến thức về địa lý được “khởi động” bằng việc gợi mở nội dung qua một câu thơ của tác giả Trần Đăng Khoa trong bài “Hạt gạo làng ta” rất quen thuộc với nhiều trẻ nhỏ. Điều này giúp tăng sự hứng thú tìm hiểu, kích thích tính tò mò ở các em; đồng thời liên tưởng gần gũi đến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ; giải mã được đặc trưng của khu vực địa lý.
 

Ảnh minh họa.

 

Hướng đến sự chủ động, sáng tạo của người dạy

 

Theo cách tiếp cận đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiến thức được đưa vào sách giáo khoa cần vừa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và trải nghiệm của người học; vừa phản ánh được những vấn đề của cuộc sống; đồng thời giúp người học vận dụng để giải quyết từ các cấp độ và phương diện khác nhau: cá nhân và xã hội, tinh thần (đạo đức, giá trị nhân văn) và vật chất (kỹ năng, nghề nghiệp).
 

Cô Trần Thanh Bình cho hay, khác với chương trình cũ, sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới có vai trò là học liệu chính trong quá trình dạy học chứ không phải là “pháp lệnh” như trước đây.

 

Cấu trúc và nội dung sách giáo khoa mới có nhiều thay đổi so với bộ sách cũ: không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây mà sắp xếp theo chủ đề, mạch kiến thức. Số tiết trong mỗi chủ đề/bài học là dự kiến, gợi ý, còn tùy thuộc vào giáo viên xác định và tổ chức dạy học.

 

Ảnh minh họa.

 

Đánh giá về bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống, cô Thanh Bình cho rằng, các môn được biên soạn theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập.

 

Kiến thức được tích hợp nhiều hơn giữa các môn học, tạo ra sự liên kết và giúp học sinh hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa các kiến thức. Bộ sách tập trung vào việc phát triển năng lực của học sinh, khuyến khích người học tự khám phá, tìm tòi, rèn luyện khả năng tự học và làm việc nhóm. Nội dung sách giáo khoa được liên hệ chặt chẽ với thực tế cuộc sống, giúp học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tế.

 

Ngoài ra, bộ sách sử dụng nhiều hình thức trình bày như tranh ảnh, đồ thị, sơ đồ,... giúp học sinh dễ hiểu và hứng thú hơn. Hình thức trình bày này được cập nhật để phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay.

 

Nguồn: giaoduc.net