“Trong cuộc họp chuyên môn đầu năm, giáo viên (GV) còn nghe nói đến năm 2013, 2014, Sở GD-ĐT TP.HCM mới tổ chức đánh giá năng lực tiếng Anh của GV. Đùng một cái, văn bản thông báo ngày thi chỉ còn hai tháng. Mặt khác, thông tin GV nhận được rất mơ hồ, chung chung, “ngày ôn tập, địa điểm thi sẽ được Sở GD-ĐT thông báo sau”. Dường như việc khảo sát này áp đặt GV vào thế bị động” - nhiều GV tiếng Anh ở Q.5 bức xúc.
Các thầy cô cũng đặt nhiều câu hỏi: “Chúng tôi là những người do Nhà nước đào tạo, phải có bằng sư phạm mới được đứng trên bục giảng. Như vậy, chúng tôi đã đủ điều kiện để di dạy, ăn lương Việt Nam, dạy chương trình Việt Nam, không lý gì bắt đạt theo tiêu chuẩn châu Âu. Mục tiêu của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT đặt ra cho kỳ thi này như thế nào? Vì sao phải “áp” tiêu chuẩn châu Âu? Nếu GV rớt, ngành GD-ĐT sẽ xử trí ra sao? Giả sử số lượng GV rớt nhiều thì cần phải xem lại “cái gốc” giảng dạy từ các trường sư phạm, chứ đừng mang GV ra làm thí nghiệm như đã từng làm với HS”.
Một tiết học của thầy trò Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM
Nhiều GV dự tính không thi, song theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, “các GV thuộc đối tượng khảo sát nhưng không tham gia khảo sát năng lực tiếng Anh đợt 1 này sẽ tự túc kinh phí về sau trong việc bồi dưỡng nâng cao trình độ nhằm đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT”. Như vậy, GV phải bỏ ra ít nhất 150 đô la Mỹ, mất đứt một tháng lương. Tất cả đang đẩy các thầy cô vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Ông Trần Minh Thành, chuyên viên tiếng Anh, Phòng GD-ĐT Q.1 cho biết: “Một số GV sợ thi rớt sẽ bị HS chê cười, do vậy, chúng tôi phải động viên, nếu thầy cô không đậu kỳ này sẽ học và thi cho đến khi nào đạt chuẩn mới thôi. Hiện các GV đã tích cực ôn luyện cho kỳ khảo sát sắp tới”. Ông Thành cũng cho rằng, việc đánh giá năng lực tiếng Anh sẽ tạo ra một động thái tích cực, vì lâu nay, việc giảng dạy đã chiếm nhiều thời gian khiến một bộ phận GV không có điều kiện cập nhật, đào sâu kiến thức. Đồng tình với quan điểm này, một GV ở Q.10 nói: “GV chỉ chuyên ở kiến thức trong một vài khối lớp mình dạy, chủ quan trong đứng lớp, không biết rằng kiến thức của mình đang mai một dần, rằng có một số HS giỏi hơn cả mình, các em đi học ở trung tâm, đọc sách ngoại văn, tiếp xúc nhiều GV bản ngữ... Trái ngược với kiến thức các môn tự nhiên bao nhiêu năm không thay đổi thì môn tiếng Anh đòi hỏi GV phải luôn mở rộng, cập nhật “vốn”, thực hành thường xuyên mới đủ sức giúp HS thoát khỏi tình trạng “câm, điếc” ngoại ngữ”.
Một tiết học của cô trò Trường THPT Marie Curie Q.3, TP.HCM
“Nếu hiểu khảo sát để nhằm nâng cao tay nghề thì GV sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn”, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hoài Chương trấn an. Ông Chương cũng khẳng định: “Kỳ khảo sát không nhằm để loại bỏ ai, nếu không đạt chuẩn, ngành GD-ĐT sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các thầy cô theo học, chứ không thể chấp nhận việc GV không đạt trình độ đứng lớp. Việc khảo sát này nằm trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 của Chính phủ với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có thế mạnh về ngoại ngữ. Kỳ khảo sát sắp tới không hẳn là chuyện đậu hay rớt mà còn có mục tiêu lâu dài hơn”.
|
Theo kế hoạch, Sở GD-ĐT sẽ chọn GV tiếng Anh bậc THCS, THPT bốn quận 1, 3, 5, 10 khảo sát trước, rồi sẽ mở rộng đến những quận, huyện khác. Chỉ cho GV hai tháng để ôn tập, liệu có cập rập không? Ông Nguyễn Hoài Chương cho rằng không cập rập, vì các thầy cô đã có trình độ, kiến thức cơ bản, vấn đề chỉ là đánh giá lại chuẩn trình độ. “Không đánh đố GV, không có chuyện phân biệt kỳ thị nếu chưa đạt chuẩn, nhưng các thầy cô phải phấn đấu đạt chuẩn trong những năm sắp tới”, ông Chương khẳng định.
Trước khi kiểm tra, sẽ có hướng dẫn, ôn tập cho từng GV, hướng dẫn cả cách tiếp cận đề. Sở GD-ĐT tin tưởng GV tiếng Anh của thành phố “không đến nỗi”. Bằng chứng là trong đợt tập huấn tiếng Anh thí điểm bậc tiểu học, TP.HCM chọn ngẫu nhiên 10 GV đưa đi tập huấn và 9/10 GV đã vượt qua kỳ thi sát hạch của Bộ GD-ĐT.
Nhiều GV mong mỏi rằng: “Đừng tạo thêm áp lực cho người thầy. Việc tổ chức thi phải nhẹ nhàng, để sau kỳ thi, dù đạt chuẩn hay chưa đạt chuẩn, GV vẫn tiếp tục đứng lớp bình thường. Tốt nhất, cần phải đảm bảo việc bảo mật thông tin, chỉ có hiệu trưởng và cá nhân GV biết kết quả kỳ khảo sát".
Hồng Liên
Nguồn: Phunuonline