Có phải bạn đang lạm dụng tiếng mẹ đẻ?
Th.tư, 16/03/2011, 14:42 Lượt xem: 1530

     Trong các lớp học ngoại ngữ, quá trình này được thực hiện chủ yếu thông qua tiếng mẹ đẻ tức là giáo viên/ học sinh dịch nghĩa từ hay cụm từ cần học sang tiếng Việt. Mặc dù cách này đơn giản và không tốn thời gian nhưng sẽ có không ít vấn đề nảy sinh khi lạm dụng nó.

+ Từ đồng nghĩa trong tiếng Việt không phải lúc nào cũng có cùng một sắc thái ý nghĩa với từ gốc trong tiếng Anh.

+ Một số cấu trúc/ dạng thức của động từ tồn tại trong tiếng Anh chứ không có trong tiếng Việt hoặc cấu trúc tương đương trong tiếng Việt lại có ý nghĩa không hoàn toàn giống cấu trúc gốc.

+ Lạm dụng phương pháp dịch sẽ khiến học sinh trở nên thụ động, lệ thuộc vào giáo viên/ từ điển.

+ Lệ thuộc quá nhiều vào dịch, học sinh sẽ khó có thể dùng những từ đã học một cách tự nhiên trong giao tiếp nhất là khi họ tiếp xúc với những người không biết tiếng Việt.

Giáo viên hoàn toàn có thể giải quyết được những vấn đề trên khi họ áp dụng những cách dạy từ mới sau đây:

I. Dùng điệu bộ:

Điệu bộ ở đây bao gồm cả cử chỉ lẫn hành động. Phương pháp này có thể áp dụng khi dạy những từ mô tả hành động như “run” (chạy), “walk” (đi bộ), “dance” (khiêu vũ) v.v… Điệu bộ bắt chước hành động được mô tả làm cho bài học trở nên sinh động, dễ nhớ và thú vị hơn đặc biệt là khi học sinh của bạn cảm thấy quen thuộc hơn với việc dùng động tác để diễn đạt ý nghĩa một từ.

II. Dùng tranh ảnh:

Giáo viên có thể dùng tranh vẽ hoặc ảnh chụp khi áp dụng phương pháp này. Cách này khá hiệu quả khi bạn dạy những từ chỉ đồ vật. Thậm chí chỉ cần một vài nét vẽ đơn giản là bạn có thể diễn tả ý nghĩa của một từ đột nhiên xuất hiện trong bài học. Dĩ nhiên, nếu bạn có thể thu hút học sinh tham gia vào việc vẽ minh hoạ cho ý nghĩa những từ mà chúng đang học thì hiệu quả giờ dạy của bạn sẽ còn cao hơn rất nhiều.

III. Dùng những đường phân chia mức độ/ cột mốc thời gian:

Những đường thẳng có mốc phân chia mức độ rất hữu ích khi bạn cần dạy những nhóm từ như “like, love, hate, don’t mind, fond of, detest, enjoy” hay trạng từ tần suất. Phương pháp này sử dụng chính những điều học sinh đã biết để dạy những tri thức mới. Ví dụ: Nếu bạn biết rằng học sinh hiểu rõ ý nghĩa của hai từ “love” (yêu) và “hate” (ghét), hãy viết chúng ở hai đầu của đường thẳng. Sau đó để học sinh quyết định vị trí của những từ còn lại sẽ là ở đâu trên đường thẳng ấy. Tương tự, những cột mốc thời gian cũng rất hiệu quả khi bạn dạy ý nghĩa những thì khác nhau của động từ.

IV. Dùng đồ vật thật/ mô hình:

Giáo cụ là gì hoàn toàn phụ thuộc vào việc từ mà bạn dạy có phải đồ vật hay không. Nếu có, bạn có thể mang nó đến lớp được không. Phương pháp này rất thích hợp với những học sinh thích có kinh nghiệm thực tế minh hoạ cho những gì họ đang học.

V. Từ điển đơn ngữ:

Một cuốn từ điển đơn ngữ rất hữu ích trong việc phát triển tính độc lập ở học sinh vì sử dụng được những cuốn sách tham khảo như vậy cũng là một kỹ năng hết sức cần thiết để học sinh có thể tự học khi kết thúc khoá học.

VI. Giải thích ý nghĩa một cách gián tiếp:

Có thể giải thích ý nghĩa một từ bằng chính tiếng Anh là một kỹ năng giao tiếp hết sức quan trọng vì không phải lúc nào người nói cũng tìm được ngay một từ chuẩn để diễn đạt ý mình rõ ràng và thấu đáo. Bằng cách đưa ra những lời giải thích rõ ràng, chuẩn xác về những từ trong bài, bạn sẽ giúp học sinh phát triển khả năng giảng giải cho người khác những gì họ muốn biết.

VII. Từ đồng nghĩa/ trái nghĩa:

Đây là một cách giúp giáo viên nhanh chóng để giải thích ý nghĩa một từ nhưng cần hết sức cẩn trọng khi áp dụng. Ví dụ: Dùng “thin”(gầy) để giải thích ý nghĩa của “skinny” (gầy trơ xương) có thể rất hiệu quả nhưng hai từ này vẫn có đôi chút khác biệt về mặt sắc thái. Khi đó giáo viên lại phải có một cách thức hợp lý để giúp học sinh hiểu đúng sự khác biệt ấy.

VIII. Dùng gốc từ:

Khi dạy những từ phức tạp, bạn có thể chia mỗi từ thành những gốc từ cơ bản. Phương pháp này được dùng để dạy học sinh các hậu tố đã làm thay đổi ý nghĩa gốc của một từ ra sao.

Ví dụ: misunderstanding = mis_ + understand + _ing. Học từ theo phương pháp này học sinh sẽ không chỉ học được một từ mà học được cả những đặc điểm của ngôn ngữ mà họ đang theo học và áp dụng hiểu biết này khi học những từ khác.

IX. Dùng ngữ cảnh:

Có thể cung cấp ngữ cảnh của một từ qua văn bản, băng cát-xét, băng hình hay thậm chí qua một vở kịch. Nếu học sinh có thể luận ra ý nghĩa của một từ qua văn cảnh mà học nhìn hay nghe thấy, họ hoàn toàn có thể tự học rất tốt tiếng Anh khi kết thúc khoá học.

Mặc dù, những phương pháp dạy từ mới này khá mất thời gian và công sức chuẩn bị hơn là phương pháp dịch sang tiếng mẹ đẻ nhưng đây lại là những phương pháp có hiệu quả lâu dài. Áp dụng những phương pháp này chúng ta không chỉ dạy học sinh những từ đơn lẻ mà còn dạy cho chúng khả năng truyền đạt và thấu hiểu ý nghĩa mới của những từ đã học trong những ngữ cảnh mới. Điều này giúp chúng có ý thức và phương pháp tự học đúng đắn cũng như sự tự tin khi thật sự dùng tiếng Anh trong công việc và cuộc sống sau này.

Source: Diệu Linh