"Giáo viên chưa thấu hiểu phương pháp dạy tiếng Anh"
Th.hai, 28/11/2011, 14:35 Lượt xem: 4123

- Thưa ông, gần đây nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của việc hiện nay học sinh phổ thông khi học xong lớp 12 thậm chí là hết 2 năm đầu đại học cũng không thể giao tiếp được bằng tiếng Anh, là do cả thầy và trò đều thiếu phương pháp. Là một chuyên gia giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh, ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, các thầy cô giáo có biết về phương pháp. Các thầy cô có thể đã được đào tạo về phương pháp dạy học, được bổ sung ở chỗ này một chút, nghe ở chỗ kia một chút và có biết về phương pháp nhưng chưa thể hiểu đúng và cặn kẽ. Chính vì vậy, các thầy cô giáo mới sử dụng sai về phương pháp. Trong môn tiếng Anh, các giáo viên không thể chỉ là người biết mà còn phải sử dụng được, sử dụng một cách thành thạo về phương pháp để nâng cao hiệu quả dạy học.

       Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Quốc Tuấn, chuyên gia tiếng Anh của Viện KHGD Việt Nam.

Đối với học trò thì phương pháp học đóng vai trò quyết định chất lượng học tập nhưng chưa có phương pháp học tập vì chính bản thân người giáo viên chưa có phương pháp tốt. Nhiệm vụ của người giáo viên là phải làm sao để học trò khi ra trường thì phải có phương pháp học tập nhưng hầu hết các nhà trường ở Việt Nam hiện nay đều chưa làm được điều này.

- Bản thân các giáo viên đang thiếu những gì về phương pháp?

Chúng ta chưa trang bị cho người dạy bản chất của phương pháp cũng như sử dụng thành thạo các phương pháp dẫn tới việc người ta làm sai mà không biết.

- Vấn đề ở đây đối với phương pháp của các giáo viên là gì thưa ông?

Các giáo viên chưa thấu hiểu được phương pháp dạy tiếng Anh. Hiện nay các thầy cô không dạy đúng bản chất của tiếng Anh với tư cách là công cụ giao tiếp mà lại là chú trọng dạy các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ tiếng Anh.

Ví dụ, khi dạy nghe ta cần phương pháp dạy nghe. Phương pháp dạy nghe đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị bài tốt, thực hiện nhiều kỹ thật trên lớp, có thiết bị đi kèm. Nói khác đi dạy nghe khó hơn dạy ngữ pháp. Do có nhiều khó khăn nên nhiều khi giáo viên bỏ qua một số khâu, dẫn đến phương pháp không được thực hiện đúng. Điều này dẫn đến học sinh không được rèn luyện kỹ năng nghe hiểu. Và hệ quả là học sinh không có phương pháp nghe hiểu.

- Ví dụ cho điều này là gì thưa ông?

Hiện nay có bài đọc hiểu trong tiếng Anh thì nhiều giáo viên vẫn coi đọc hiểu là “đọc cho hiểu” nội dung bài viết. Vậy muốn hiểu thì giảng giải khiến thức ngôn ngữ và dịch sang tiếng Việt. Tuy nhiên bản chất của vấn đề lại nằm ở chỗ đọc hiểu là tìm kiếm thông tin. Như vậy chính thầy cô giáo cũng đang không hiểu đúng bản chất. Vì thế nên chính các thầy cô giáo là người dạy chưa đúng về phương pháp.

 Giáo viên chưa thấu hiểu phương pháp dạy tiếng Anh
Phòng Multimedia phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ.


- Để có phương pháp tốt thì phải có những yếu tố nào hỗ trợ thưa ông?

Trước hết đó phải là phương tiện tối thiểu như đài, băng, tranh ảnh minh họa…Tôi băn khoăn tự hỏi liệu mỗi giờ dạy tiếng Anh, giáo viên nào cũng có đầy đủ những phương tiện dạy học cơ bản như thế chưa? Và khi đã có rồi thì giáo viên dùng nó ra sao?

- Thế nhưng nhiều thầy cô giáo lại cho rằng do lớp học hiện nay ở Việt Nam thường có 40-50 học sinh đã gây nên tình trạng không thể áp dụng được các kỹ thuật trực quan và không thể quản được lớp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nếu lớp đông, chúng ta có thể chia học sinh thành các nhóm. Việc học nhóm là rất tốt và đã được chứng minh là rất hiệu quả. Nhưng hiện nay các giáo viên chưa hiểu rõ bản chất của việc học nhóm và cách tổ chức nhóm. Ví dụ các nhóm phải luôn thay đổi tuần hoàn để tạo ra sự mới mẻ ngay trong các thành viên trong nhóm. Các chủ đề đưa ra bàn bạc trong nhóm phải mang tích thách thức cao, giải quyết các vấn đề gần gũi với cuộc sống và phải luôn thay đổi, nếu chỉ là chương trình ở trong sách giáo khoa (SGK) thì sẽ rất nhàm chán và gây nên tâm lý không hào hứng trong học sinh.

Bản chất của việc lập nhóm để giải quyết một vấn đề cần chung sức nhưng nếu các thầy cô giáo không hiểu điều đó sẽ dẫn đến tình trạng không biết cái gì nên làm nhóm, cái gì nên làm theo cặp…

- Về phương pháp đọc hiểu, đúng ra chúng ta phải làm như thế nào, thưa ông?

Bản chất đọc hiểu là tìm kiếm thông tin. Thông tin cần tìm là các câu hỏi gợi ý. Vậy đọc hiểu là tìm các thông tin trong bài đọc để trả lời các câu hỏi. Như vậy, khi chúng ta đọc xong thì phải gấp sách lại. Người đặt câu hỏi cũng hoàn toàn tự nhiên và người kia phải nhớ lại để trả lời. Khi trả lời vấn đề đó, tức là người ta đang nói tiếng Anh. Tuy nhiên hiện nay các em học sinh Việt Nam vẫn là đọc câu trả lời ở trong SGK chứ không phải là nói câu trả lời của mình. Có SGK tốt nhưng không biết dùng đúng lúc, đúng chỗ thì rất có thể sẽ phản tác dụng.

- Ông có nhận xét gì về chương trình tiếng Anh hiện nay ở bậc phổ thông?

Với gần 650 tiết trong chương trình thì học sinh hoàn toàn có khả năng sử dụng tiếng Anh ở mức cơ bản, phổ thông. Cái quyết định chất lượng dạy và học phải là phương pháp. Những yếu tố khác có ảnh hưởng nhưng không mang tính chất quyết định. Muốn có phương pháp tốt thì quan trọng nhất phải là người giáo viên. Anh không thể đổ lỗi cho SGK hay các điều kiện khác.

- Nếu học đúng theo phương pháp thì sau 7 năm học phổ thông, học sinh sẽ có được những kỹ năng gì thưa ông?

Như vừa nói, 7 năm là một thời gian khá dài để một học sinh có thể nắm khá thành thạo 4 kỹ năng nghe nói, đọc, viết. Các em hoàn toàn có đủ khả năng để trở thành một người nói tiếng Anh hết sức cơ bản ở mức độ phổ thông. Nghĩa là các em có thể gặp trao đổi với người nước ngoài một cách bình thường các vấn đề gần gũi trong cuộc sống. Ra nước ngoài các em vẫn giao tiếp một cách độc lập nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân với vốn kiến thức của mình. Còn đối với các kiến thức chuyên ngành thì các em phải học ở một mức độ cao hơn, chuyên biệt hơn. Tuy nhiên hiện nay đa phần ở mức độ giao tiếp cơ bản các em cũng không đạt được dẫn tới sẽ không tự tin.

- “Bài thuốc” để học sinh có thể tự tin giao tiếp sau khi học tiếng Anh trong trường phổ thông theo ông là gì?

Mở các lớp bồi dưỡng về phương pháp, huấn luyện cho giáo viên về kỹ năng sử dụng phương pháp chứ không phải là kiến thức về phương pháp. Ngoài ra cũng cần tạo ra chính môi trường cho các thầy cô phát huy được các phương pháp đã được học. Chính các thầy cô cũng cần một môi trường để luyện tập và sau đó là truyền thụ cho các em học sinh.

- Xin cảm ơn ông!