Hiểu nước Anh qua lễ nhạc đám cưới hoàng gia
Th.ba, 14/06/2011, 11:33 Lượt xem: 4091

Với người Việt, có hai khác biệt văn hóa cần được nhắc sơ để hiểu hơn về những bài thánh ca đó. Trước hết hôn lễ theo truyền thống Công giáo La Mã hay Anh giáo như vừa rồi là một buổi lễ thánh ở nhà thờ, mang đậm màu sắc tôn giáo. Buổi lễ này do chính lãnh đạo tinh thần của Anh giáo Dr Rowan Williams làm chủ hôn và là hình mẫu trân quí nhất cho toàn giáo hội nước Anh cũng như các tôn giáo khác. Thứ hai là nhạc trong đám cưới luôn là một trong số những mối quan tâm hàng đầu cho các cô dâu chú rể và nhà tổ chức đám cưới ở Anh và các nước nói tiếng Anh. Tại hội chợ phục vụ hôn lễ hàng năm ở London các quầy nhạc luôn chiếm vị trí đáng kể. Những bài thánh ca đã xuất hiện trong hôn lễ William-Kate chắc chắn sẽ được nhiều đôi uyên ương dùng trong đám cưới của mình.

 

 

Chung cho Diana và Kate

Và hai người cũng dùng những bài nhạc đã từng xuất hiện trước đó, bên cạnh dấu ấn riêng. Bài nhạc đưa cô dâu do cha mình dắt vào lễ đài chính là bài nhạc mà ngày xưa đã đưa công nương Diana - mẹ quá cố của hoàng tử William vào thánh đường trong đám cưới với thái tử Charles năm 1981. “I was glad” là một đoạn Psalm trong cuốn kinh thánh mà nhà thờ Anh giáo xuất bản: Laetatus sum (tiếng Latin – Tôi hạnh phúc). Bài thánh ca được Sir Hubert Parry viết năm 1902 cho lễ đăng quang của vua Edward VII và sau này tiếp tục được dùng trong những buổi lễ trọng đại của hoàng gia như buổi lên ngôi của vua George V. Lời mở đầu bài hát biểu lộ rõ niềm “hân hoan khi nghe nói: Chúng ta sẽ vào nhà Chúa” (I was glad when they said unto me: We will go into the house of Lord). Từ một thường dân, Kate Middleton được mời vào gia đình hoàng tộc.

Đứng trước lễ đài, cô dâu chú rể được nhắc nhở về thân thế dòng tộc, mà với hoàng gia Anh hiện nay thì xứ Wales có vị trí đặc biệt. “Guide me, o thou great Redeemer” còn có tên tiếng xứ Wales là Cwm Rhondda, là bài nhạc chính thức của đội tuyển quốc gia bóng bầu dục (rugby) xứ Wales. Trong lễ tưởng niệm 10 năm ngày công nương Diana thiệt mạng thảm khốc ở Paris, dân chúng tràn ngập quanh cung điện Buckingham cùng cất tiếng hát vang bài thánh ca này, như từng vang lên trong ngày tang lễ. Từ vài câu ban đầu trong thế kỷ 18, bản chính thức được viết trên lời tiếng Anh của William Williams, và nhiều nơi thích dùng Redeemer (Chúa Giê-su) thay cho Jehova (Chúa trời).

Nhạc hi vọng

Sau nghi lễ hợp hôn cho cô dâu và chú rể, thánh đường cử hành bài thánh lễ được giáo hội Anh giáo đặt nhạc sĩ John Rutter CBE viết riêng cho hôm nay. Bài nhạc nhắc nhở “hôm nay là ngày trọng đại” - This is the day – trong nét nhạc tình cảm, để dẫn vào lời răn của giám mục London Richard Chartres. Ngài dặn dò đôi vợ chồng mới cuới rằng “ngày đám cưới là ngày của hi vọng” và “chung sống tạo tương lai”. Hôn lễ của Catherine được tổ chức đúng ngày lễ thánh Caterina xứ Sienna, thánh hộ mạng của nước Ý, người đã lập nên kỳ tích thống nhất các thị quốc nước Ý và đưa giáo hoàng trở về Roma hồi thế kỷ 14-15. Hoàng tử William là người thứ 2 sau cha mình là thái tử Charles kế vị ngai vàng của nữ hoàng Elizabeth II, biểu tượng đoàn kết Vương quốc Anh.

 


Và đến lúc vị vua tương lai để lại dấu ấn của mình, với việc chọn lựa một nhạc sĩ trẻ không có tiếng tăm gì mấy từ xứ Wales, cùng sống trong khu Anglesey nơi hoàng tử đóng quân. Paul Mealor vừa mới trình làng tác phẩm mới nhất trong buổi họp mặt truyền thống cho cựu sinh viên đại học St Andrew. Nhưng có lẽ nội dung câu ca thánh có từ thế kỷ thứ 7 trong bài nhạc này mới là thông điệp mà William muốn ghi lại trong đám cưới của mình: ubi caritas et amor, Deus ibi est (tiếng Latin - “Nơi nào có tình thương và tình yêu, nơi đó Chúa hiện hữu”). Muốn và đang tiếp tục sự nghiệp của công nương Diana, William đỡ đầu rất nhiều tổ chức từ thiện ở Anh và trên thế giới. Câu kết của bài ca cũng đầy nhắn nhủ: et ex corde diligamus nos sincero (tiếng La Tinh - “Đôi ta hãy yêu nhau bằng con tim chân thật”). Quì gối trước bàn thờ Chúa, đôi uyên ương trao nhau ánh mắt yêu đương trong không gian của bài thánh ca.

 


Và tất nhiên không thể nào thiếu được Jerusalem của Parry, bài nhạc chính thức của đội tuyển quốc gia rugby xứ England, biểu tượng âm thanh – di sản phi vật thể mà có thể nói là người dân Anh nào đều (phải) biết. Hình ảnh xây dựng thánh địa Jerusalem được dùng trong bài hát như điều giác ngộ cần mang đến để thánh hóa nước Anh, như vị thánh bảo hộ St George đã làm. Và một “Jerusalem” đã được thể hiện vô cùng tuyệt hảo qua dàn đồng ca, ban kèn, dàn nhạc và tất cả 2.000 người có mặt trong buổi hôn lễ hoàng gia tại Westminster Abbey vừa qua - một nét bản sắc dân tộc đáng kính nể.

  

Source: Le Hai, London