Từ nhiều năm nay tôi thường có một số sinh viên quốc tế theo học chương trình giáo dục ngôn ngữ tôi phụ trách tại Texas Woman’s University. Cách nói và viết tiếng Anh khá đặc thù của họ đã kích thích tính tò mò của tôi và thúc đẩy tôi tìm hiểu thêm về những dạng thức khác nhau của tiếng Anh ngày nay trên thế giới. Đôi khi tôi thắc mắc và tự hỏi liệu những người nói tiếng Mỹ “tiêu chuẩn” như quý bạn và tôi có khó khăn gì không khi giao dịch với những người nói tiếng Anh loại này, chẳng hạn trong trường hợp giả dụ rất có thể xảy ra dưới đây?
Chúng ta đang dự một buổi tiếp tân tại một khách sạn bên Ấn Độ, quê hương của biết bao thứ mãng xà, và bất chợt nghe vị MC bản xứ dõng dạc nói qua máy vi âm điều gì nghe như thể “Snakes are now in the hole, please serve yourself!” thì chắc chắn chúng ta sẽ chới với. Khiếp thế, cho ăn gì đây? Hổ mang hoa, rắn đeo kính chăng? Thưa không phải như vậy đâu, may thay! Sự hiểu lầm này xảy ra chỉ vì cách phát âm độc đáo của Anh ngữ Ấn Độ mà thôi. Trong phương ngữ này, người ta giảm bớt đi một số mẫu âm bằng cách “giết hai con chim bằng một hòn đá”, và vì vậy hai chữ “snack” và “snake” chứa đựng hai mẫu âm khác nhau một trời một vực đều được phát âm là “snake”. Hai mẫu âm khác nhau trong chữ “hall” và chữ “hole” cũng cùng chịu chung một số phận ấy, và cùng được phát âm là “hole”! Thứ tiếng Anh này cũng có một số từ vựng độc đáo, như “co-brother” và “co-sister” chẳng hạn, ý nghĩa tương đương với “anh em cột chèo” và “chị em dâu” trong ngôn ngữ chúng ta. Quý bạn nào tôn trọng ngữ pháp tiêu chuẩn trong tiếng Anh, tiếng Mỹ sẽ không khỏi chau mày khi thấy người nói Anh ngữ Ấn Độ sử dụng các “thời” trong động từ theo quy luật riêng lạ kỳ của nó, như trong hai thí dụ điển hình sau đây: “We are here since yesterday” (thay cho We have been here since yesterday) và “They’ve been here 20 years ago” (thay cho We were here 20 years ago). Xin nhớ là những người này rất có học và sử dụng Anh ngữ Ấn Độ tiêu chuẩn đấy.
LINGUA FRANCA HOÀN VŨ
Thực khó mà coi nhẹ vai trò tiếng Anh ngày nay trên thế giới. Tiếng Anh hiện được coi là một lingua franca tức là thứ tiếng dùng chung của hằng hà sa số những người không nói cùng một thứ tiếng mẹ đẻ. David Crystal (1996) ước lượng số người sử dụng tiếng Anh trong 3 khối nhân loại tượng trưng bằng 3 vòng tròn đồng tâm lan rộng ra như sau: (1) “Vòng tròn trong cùng” gồm những xứ mà đại đa số dân chúng nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, như Hoa Kỳ, Anh Cát Lợi (Anh), Úc Đại Lợi (Australia), vân vân, có khoảng từ 320 đến 380 triệu người; (2) “Vòng tròn ngoài” gồm những xứ mà dân chúng sử dụng tiếng Anh từ lâu như Ấn Độ, Tân Gia Ba (Singapore), Ghana, vân vân, có khoảng từ 150 đến 300 triệu người; và (3) “Vòng tròn lan rộng” gồm những xứ như Trung Hoa, Nga, Việt Nam, vân vân, có khoảng từ 100 triệu đến 1 tỷ người. Như vậy, con số người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ nhỏ hơn con số người dùng nó như một thứ ngôn ngữ thứ hai rất nhiều. Tổng cộng, tối đa có cả thẩy 1 tỷ 680 triệu người hiện dùng tiếng Anh trên thế giới. Đúng như lời tiên đoán vào năm 1780 của Tổng Thống John Adams (1735-1826) rằng tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ được nể vì nhất trên thế giới và sẽ được đọc và nói nhiều nhất hoàn vũ trong những thế kỷ kế tiếp.
HIỆN TƯỢNG BẢN XỨ HÓA
Hiển nhiên khi tiếng Anh lan tràn đến một nơi xa lạ, nó sẽ không thoát khỏi ảnh hưởng tiếng nói của người địa phương, trong tiến trình “bản xứ hóa”. Hiện tượng trăm hoa đua nở này đã mang lại nhiều dạng thức khác nhau cho tiếng Anh, đến nỗi ngày nay các nhà nghiên cứu đã dùng số nhiều cho danh từ “English” cho tập thể “the Englishes of the world”! Hai yếu tố thường được chú ý nhiều nhất trong hiện tượng bản xứ hóa là phát âm và từ vựng. Bằng phương cách đối chiếu, các nhà nghiên cứu có thể phát hiện và hệ thống hóa những khác biệt đặc thù giữa tiếng Anh tiêu chuẩn và tiếng Anh bản xứ hóa. Nhưng thế chưa đủ, vì tiến trình này còn phản ánh vài yếu tố sáng tạo khác, như sự giản dị hóa cú pháp hoặc sự sử dụng những phương thức tu từ cá biệt của các ngôn ngữ địa phương liên hệ.
Các loại Anh ngữ địa phương hóa (và nay đã qui củ hóa) tại Đông và Tây Phi Châu, Ấn Độ, Tân Gia Ba (Singapore), Phi Luật Tân (Phillippines), vân vân, đều cho giảm đi con số âm vị (phonemes) của tiếng Anh tiêu chuẩn, bằng cách “sáp nhập” các âm vị tương đối giống nhau (vì chúng ở các vị thế phát âm kế cận) vào làm một. Đáng kể nhất trong khuynh hướng đại đồng này là việc sáp nhập các mẫu âm trong các cặp chữ “eat” và “it”, “pool” và “pull”, “hole” và “hall”; và các tử âm trong các cặp chữ “see” và “she”, “den” và “then”, “tick” và “thick”. Các cặp chữ vừa kể này với phát âm khác biệt trong tiếng Anh tiêu chuẩn nay trở thành đồng âm. Tiếng Anh nói tại Đông Phi Châu (trong các quốc gia Kenya, Tanzania, và Uganda) đã cho sáp nhập hoặc “đồng hóa” nhiều âm vị Anh ngữ tiêu chuẩn nhất. Tại đây nhiều người còn không phân biệt được cách phát âm hai tử âm trong cặp “lice” và “rice” và cũng cho đồng hóa các tử âm trong ba chữ “sue”, “shoe”, và “chew”, tức là biến cả ba chữ ấy thành đồng âm.
Vị trí của âm tiết nhấn mạnh trong một số chữ cũng thay đổi. Chẳng hạn, tại Tây Phi Châu, người ta nhấn mạnh âm tiết sau cùng của các chữ “congratulate” và “investigate” và âm tiết đầu của chữ “success”. Anh ngữ Ấn Độ hóa biểu hiện một ngữ điệu (intonation) khá lạ tai do ảnh hưởng của tiếng Hindi, khiến cho nhiều người không quen với ngữ điệu này rất khó hiểu Anh ngữ Ấn Độ hóa. David Crystal (1995) có nhắc đến chuyện bà Thủ Tướng Indira Gandhi (một sản phẩm giáo dục của Đại Học Oxford bên Anh Quốc) đã than phiền với Bộ Giáo Dục trong nội các của bà về những “tiêu chuẩn đi xuống” của tiếng Anh tại Ấn Độ, sau khi bà không hiểu nổi lời phát biểu bằng tiếng Anh của người đại diện Ấn Độ tại một hội nghị quốc tế!
Từ vựng đương nhiên là một đặc thù của các Anh ngữ địa phương hóa. Nhiều từ ngữ được lấy thẳng từ ngôn ngữ địa phương, như “askari” (cảnh sát viên), “chai” (trà), “kibanda” (chợ đen) trong Anh ngữ Đông Phi Châu; “crore” (mười triệu), “durzi” (thợ may), “sahib” (chủ nhân), “gherao” (phản đối một cá nhân bằng cách không cho người ấy ra khỏi văn phòng) trong Anh ngữ Ấn Độ; “koon” (ngủ), “tolong” (giúp), “chope” (dành trước) trong Anh ngữ Tân Gia Ba; và “boondock” (núi), “carabao” (trâu nước) trong Anh ngữ Phi Luật Tân. Những từ vựng địa phương này có được thế giới để ý đến hay không là tùy thuộc vào tầm quan trọng ý nghĩa của chúng. Vì vậy, trong tiếng Anh Nam Phi Châu, “apartheid” (chính sách phân chia chủng tộc tại Cộng Hòa Nam Phi) và “impala” (một loại linh dương tại Nam Phi Châu chạy rất nhanh) đã gia nhập từ vựng trong đại gia đình Anh ngữ, trong khi “dorp” (làng nhỏ) và “bredie” (một món thịt hầm) thì ít người biết đến. Những từ vựng địa phương nào mà đã có những tương đồng trong tiếng Anh tiêu chuẩn thì thường bị bỏ qua, như trường hợp “outwith” (tiếng Anh Tô Cách Lan (Scotland), tương đương với “outside”) và “godown” (tiếng Anh Ấn Độ, tương đương với “warehouse”).
Một số từ vựng Anh ngữ tiêu chuẩn khi địa phương hóa đã thay đổi ý nghĩa, hoặc có thêm ý nghĩa nới rộng, hoặc được canh tân hình thức với ý nghĩa mới, như trong các thí dụ sau đây. Trong Anh ngữ Ấn Độ, colony = residential area, hotel = restaurant / café, police firing = shooting by police, cousin-sister = female cousin, co-brother = wife’s sister’s husband, Eve-teasing = harassment of women, Himalayan blunder = grave mistake. Trong Anh ngữ Tây Phi Châu, balance = change (money returned to a customer), bluff = dress fashionably, hot drink = liquor, hear = understand, take in = become pregnant.
Những biến thiên của cú pháp Anh ngữ tiêu chuẩn cũng đáng kể trong các Anh ngữ địa phương hóa. Sau đây là một số kỳ hoa dị thảo nổi bật. Tại Tân Gia Ba, người ta dùng thành ngữ tân lập “use to” (thời hiện tại) để diễn tả một thói quen: “I use to go shopping on Mondays” (thay cho I usually go shopping on Mondays). Nhóm chữ “can or not?” được dùng ở cuối một câu nói để người nghe phải xác nhận hoặc phủ nhận sự chính xác của câu nói đó: “She wants to go, can or not?” Điều này xảy ra tôi đoán là do ảnh hưởng trực tiếp của tiếng Hán, trong đó “năng bất năng?” là nhóm chữ tương đương về ý nghĩa và vị trí với “can or not?” được sử dụng phổ thông. Và người ta cũng dùng chữ “la” (hẳn là do chữ “liễu” trong tiếng Hán mà ra) như một tiểu từ trong câu nói để diễn đạt sự xuề xòa, thân thuộc: “Please la come to the party!” Tiếng Anh bên Ấn Độ sử dụng “isn’t it?” (với nghĩa “phải không?”) cho tất cả mọi câu nói để biến chúng thành các câu hỏi chẳng hạn như các câu “She is going home soon, isn’t it?” và “You did not pass the test, isn’t it?” Và không kém phần sáng tạo, cú pháp tiếng Anh tại Tây Phi Châu cho phép một túc từ (“them” trong thí dụ sau đây) được sử dụng trong một mệnh đề phụ bắt đầu bằng một đại từ quan hệ (“whom” trong thí dụ sau đây), mặc dù túc từ đó không cần thiết: “The guests whom I invited them have arrived”. Phương ngữ này cũng không phân biệt ý nghĩa giữa đại từ phản thân “themselves” và đại từ hỗ tương “each other”, và do đó câu “They like themselves” đồng nghĩa với câu “They like each other”.
TƯƠNG LAI RA SAO?
Trong lịch sử ngôn ngữ loài người chưa có thứ tiếng nào được sử dụng rộng rãi như tiếng Anh ngày nay trên khắp thế giới. Khó đoán chuyện gì sẽ xảy ra sau này. Hiện giờ có hai vấn đề mâu thuẫn nhau, đó là (1) sứ mệnh truyền thông quốc tế của tiếng Anh và (2) bản sắc riêng biệt của các loại tiếng Anh nhuốm màu địa phương. Sứ mệnh truyền thông quốc tế đòi hỏi yếu tố minh bạch để mọi người cùng hiểu, tức là một tiêu chuẩn chung mà mọi nơi cùng thỏa thuận về cú pháp, từ vựng, chính tả, phát âm, và quy ước sử dụng. Một phương ngữ quốc gia của một ngôn ngữ quốc tế đương nhiên phải có bản sắc đặc thù, cũng trong các lãnh vực cú pháp, từ vựng, chính tả, phát âm, và quy ước sử dụng. Tương lai của tiếng Anh trong cương vị một quốc tế ngữ tùy thuộc vào mức “hòa giải” giữa hai vấn đề mâu thuẫn vừa kể. Một hòa giải đại đồng có thể sẽ dẫn tới sự hình thành của một thứ “Anh ngữ tiêu chuẩn thế giới” mà David Crystal (1995) mệnh danh là “World Standard English”. Theo ngữ học gia lẫy lừng danh tiếng này thì một trong ba điều sau đây có thể xảy ra:
(1) Một phương ngữ quốc gia “nặng ký” có thể được các tổ chức quốc tế hàng đầu dần dần chấp nhận và trở thành Anh ngữ tiêu chuẩn thế giới. Tiếng Mỹ đã và đang đi những bước dài về hướng này.
(2) Các phương ngữ có thể kết hợp dần dần để trở thành một hình dạng mới, không giống bất cứ một phương ngữ hiện tại nào. Một thí dụ là loại tiếng Anh nghe thấy trong các hành lang quyền lực của Âu Châu, mệnh danh “Euro-English”.
(3) Một loại Anh ngữ mới tinh có thể được chế tạo, chỉ nhắm vào những yếu tố quan trọng và hữu ích nhất trong truyền thông quốc tế. Một thí dụ là lời đề nghị hồi đầu thập niên 1980 cho phát triển một loại tiếng Anh “hạt nhân” chỉ chứa đựng những yếu tố truyền thông tối cần thiết trong văn phạm và từ vựng mà thôi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Crystal, D. (1995). The Cambridge Encyclopedia of the English Language. Cambridge, England: Cambridge University Press.
Crystal, D. (1996). English: the Global Language. Washington, D.C.: U.S. English Foundation.
Kachru, B. (1982). The Other Tongue: English Across Cultures. Oxford, England: Pergamon Press.
McArthur, T. (2002). The Oxford Guide to World English. Oxford, England: Oxford University Press.
Trudgill, P., & Hannah, J., (1994). International English. London: Edward Arnold.
Tác giả:
Tiến Sĩ Đàm Trung Pháp
Giáo Sư thực thụ (ngữ học),
Đại học Texas Woman