London mùa này đầy nắng, vắng mưa
Th.tư, 06/07/2011, 10:49 Lượt xem: 3033

Nhưng hôm nay - một trong những ngày đầu xuân nắng đẹp rực rỡ ở London - tôi xin thưa, trước là với ông Wilde, và sau là với các thân chủ của quán Tiếng Anh bên ly cà phê rằng, đề tài thời tiết kỳ này sẽ không chỉ quanh quẩn chuyện bình phẩm về trời xanh, nắng vàng, mà sẽ nói xa hơn một chút, đưa trí tưởng tưởng của chúng ta vượt qua một chút không gian và thời gian.

Thời tiết và không gian

Không gian thứ nhất là miền Nam Việt Nam, nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi có khí hậu nhiệt đới, một năm hai mùa nước nổi, sáng nắng, chiều mưa, tối se, khuya lạnh. Thời tiết 'khuôn mẫu', ổn định đến mức người ta hiếm khi nghe hoặc xem dự báo thời tiết trước khi ra đường. Thay vào đó, hễ mùa nắng thì người thành phố tìm mọi cách trốn nắng bằng kem chống nắng, bao tay, áo dài tay, nón rộng vành, khẩu trang v.v. Còn mùa mưa thì áo lạnh, áo mưa các loại. Thời tiết 'chuẩn' như vậy đã trở thành 'chuyện thường ngày ở huyện'. Thế nên, cớ gì người ta phải bàn với tán về nó chứ?

Điều này trái hẳn với không gian thứ hai, tại thành phố London nơi tôi đang làm việc. London nằm trong 11 vùng khí hậu của Vương quốc Anh, với đặc tính chung nổi bật là tính biến thiên của thời tiết, theo giờ, theo ngày, theo mùa, theo năm. Theo giải thích của Trung tâm khí tượng thủy văn thì đó là do vị trí địa lý của vương quốc Anh nằm trên vĩ độ trung bình, chịu ảnh hưởng của vành đai gió phía tây từ Đại Tây Dương thổi sang, đồng thời còn chịu ảnh hưởng của khí hậu Châu Âu lục địa nữa. Sống trong không gian khí hậu như thế, không trách sao người Anh nổi tiếng là dân tộc bị "ám ảnh" về thời tiết.

 

 

Thời tiết ăn sâu vào tập quán của người Anh đến nỗi, theo một nghiên cứu xã hội năm 2010, cứ 10 người Anh thì có 6 người công nhận đấy là đề tài không tránh khỏi trong các buổi nói chuyện của mình; 25% dân số dùng thời tiết làm cái cớ để làm quen, mở đầu câu chuyện. Và gần như 70% người dân Anh kiểm tra dự báo thời tiết ít nhất là một lần trong ngày.

Không phải là người Anh, nhưng không biết tự lúc nào, tôi cũng đã phải tập thói quen xem dự báo thời tiết trước cả tuần. Và hôm nay thấy lòng vui phơi phới khi đi giữa nắng xuân, giữa cảnh người người nhà nhà đổ tua ra công viên, thảm cỏ, quảng trường để tắm nắng.

Thời tiết và thời gian

Có lẽ truyền thống "nói chuyện thời tiết" của người Anh đã có từ rất lâu đời. Người đầu tiên ghi nhận điều này là nhà văn Samuel Johnson. Ông viết vào thế kỷ thứ XVIII: "It is commonly observed, that when two Englishmen meet, their first talk is of the weather,"

Dịch: Thường thường, khi hai người Anh gặp nhau họ thường nói về thời tiết trước.

Bản tin thời tiết đầu tiên ra đời vào năm 1922, song song với việc ra đời của đài phát thanh và đài truyền hình vào năm 1936. Năm 1954, nước Anh đã có hẳn chuyên viên dẫn chương trình cho mục dự báo thời tiết. Ông George Cowling vừa làm công việc thời tiết của mình, vừa khuyên nhủ bà con lúc nào có nắng ráo để đem đồ ra phơi.

Thế đấy, kể từ ngày xửa ngày xưa, người Anh đã không ngừng nói về thời tiết, bất kể đó là trận tuyết tơi bời làm tê liệt toàn bộ hệ thống giao thông khắp London mùa Giáng Sinh năm ngoái, hay một lời bình luận bâng quơ về bầu trời đầy nắng mùa xuân.

Thời tiết và bạn

Bàn về chuyện thời tiết vượt không gian và thời gian như trên là để cùng nhau hiểu phần nào cái gốc, cái rễ của tập quán "weather-talk" của người Anh. Hiểu được quy tắc đó để áp dụng một cách sáng tạo, phù hợp, tránh được sự máy móc, kinh viện của những quyển giáo trình dạy tiếng Anh cứ khuyên các bạn là hãy bắt đầu với thời tiết.

Nhưng khoan, trước hết, bạn hãy bắt đầu định vị xem mình đang ở đâu và thời tiết ở đó có đáng nói không nhé.

 

Source: BBC