Phớt tỉnh Ăng-lê
Th.năm, 16/06/2011, 11:44 Lượt xem: 8237

Tôi còn nhớ ngày nào năm ấy mình học tiếng Anh ở Việt Nam, cô giáo dạy tiếng Anh của tôi có nói tới chuyện "phớt tỉnh Ăng-lê". Lúc đó, tôi cũng như nhiều bạn đang học tiếng Anh bây giờ, chỉ biết đến chuyện "phớt tỉnh Ăng-lê" qua lý thuyết sách vở. Nhưng bây giờ có dịp làm việc ở London, Anh quốc tôi mới thấm thía qua chính kinh nghiệm thực tế của mình về nét văn hóa "phớt tỉnh Ăng-lê" này.

Hôm nay, tôi xin mời bạn vừa uống cà phê ảo, vừa nói về đề tài này nhé.

Thế nào là phớt tỉnh Ăng-lê?
Trước tiên, tôi xin nêu một ví dụ:

Một buổi sáng sớm London trời se lạnh, tôi vội vã bước vào thang máy lên tầng làm việc của mình. Có lẽ giờ cao điểm nên trong thang máy đã có lác đác vài người khác. Thoáng thấy dáng người đồng nghiệp đã quen qua trước đó trong quá trình công tác tại cơ quan, tôi định mở lời chào nhưng chợt nhận ra ánh mắt lạnh, nhìn thẳng phía trước cộng với gương mặt lạnh của người đồng nghiệp ấy nên tôi thôi không chào nữa. Không khí trong thang máy cũng thế, hoàn toàn im ắng, không ai chào ai. Lần lượt từng người một lẳng lặng bước ra khi đến tầng làm việc của mình.

Thế đấy bạn ạ. Trên đây là một ví dụ điển hình về sự "phớt tỉnh Ăng-lê" mà tôi sắp bàn.

Thế nào là phớt tỉnh? Từ điển tiếng Việt định nghĩa phớt tỉnh là hành động ra vẻ thản nhiên, điềm nhiên, vô sự. Tương đương với động từ này, tôi thấy trong tiếng Anh có một số động từ và thành ngữ sau thường được dùng để tả hiện tượng phớt tỉnh này.

Đó là: to give someone a cold face hoặc là to give someone a cold shoulder.

Theo giải thích của chuyên trang Học tiếng Anh của đài BBC thì to give someone a cold shoulder có nghĩa bóng là cố tình không thân thiện, không vui vẻ, không chú ý đến ai đó, phớt lờ họ.

Còn theo giải thích của chương trình dạy tiếng Anh của đài VOA thì:

"You give someone the cold shoulder when you refuse to speak to them. You treat them in a distant, cold way. The expression probably comes from the physical act of turning your back toward someone, instead of speaking to him face-to-face. You may give a cold shoulder to a friend who has not kept a promise he made to you. Or, to someone who has lied about you to others."

Xin dịch đoạn giải nghĩa trên:

Bạn "phớt lờ" ai đó khi bạn không muốn nói chuyện với họ. Bạn đối xử với họ một cách lạnh nhạt, xa cách. Thành ngữ này có thể xuất phát từ hành động quay lưng, ngoảnh mặt với ai đó, tránh nói chuyện đối mặt với nhau. Bạn có thể làm ngơ với người bạn thất hứa của mình, hoặc người nào đã bịa đặt về bạn với người khác chẳng hạn.

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thỏa mãn lắm về thành ngữ to give someone a cold shoulder như trên. Vì dường như thành ngữ này thường được dùng trong các trường hợp giận hờn, phật ý nhau.

Còn cái sự "phớt tỉnh Ăng-lê" mà tôi muốn nói hôm nay không liên quan gì đến việc tránh mặt nhau vì giận cả. Sự "phớt tỉnh" mà tôi muốn nói như là một điều gì đó nằm trong căn tính của người Anglo-Saxon.

Vậy câu hỏi đặt ra là, Anglo - Saxon: họ là ai?

Thuật ngữ Anglo-Saxon mới xuất hiện tương đối gần đây, và được dùng để chỉ những người định cư đến từ hai vùng Angeln và Saxony của Đức. Họ đến đảo quốc Anh sau sự tan rã của Đế chế La Mã vào khoảng năm 410 sau công nguyên.

So với những người định cư Jutes và Frisians đến vùng này từ Đan Mạch thì tộc người Anglo-Saxon giữ vững truyền thống, kiến trúc, và ngôn ngữ của mình tốt nhất. Tiếng Anh hiện đại ngày nay có nguồn gốc lớn từ ngôn ngữ của tộc người này. Thậm chí, tên xứ England đã được giải nghĩa là do hai âm tiếng Anglo-Saxon ghép lại: Angeln và land, cộng lại thành Angelnland, được đọc ra thành England ngày nay.

Triều đại Anglo-Saxon tại Anh quốc kéo dài khoảng 600 năm, từ năm 410 đến năm 1066. Khi vị vua cuối cùng là Edward băng hà thì không lâu sau đó vương quốc của họ đã bị người Norman chiếm đóng.

Cứ theo cái gốc lịch sử trên mà nói thì có lẽ tính lạnh lùng băng giá của người Anh ngày nay phần nào nằm trong gen "lạnh" của tổ tiên phương Bắc của họ để lại?

Trang lịch sử BBC còn viết:
"English owes much to its Anglo Saxon origins."
"Tiếng Anh, người Anh có nguồn gốc sâu đậm từ gốc Anglo-Saxon"

Nếu đúng như vậy thì tính "phớt tỉnh Ăng-lê" không chỉ đúng với người Anh nói riêng, mà có lẽ còn đúng cho cả người Đức nữa. Xin mời các bạn du học sinh Việt Nam ở Đức, hoặc Việt kiều Đức chia sẻ và xác nhận xem người Đức nhìn chung có thái độ "phớt tỉnh Ăng-lê" này không nhé.

Theo BBC Vietnamese