Giao tiếp kém
Qua nhiều khảo sát tại các trường ngoại ngữ, hiện tượng nhiều sinh viên học ngoại ngữ theo lối thụ động, không sáng tạo và học đối phó chỉ để qua các kỳ thi xảy ra khá phổ biến. Nhiều sinh viên tự nhận mình cảm thấy lúng túng và không tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài.
Thu Phương, sinh viên K37 Pháp, ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay, ở trường Phương được học ngoại ngữ chính là tiếng Pháp, ngoại ngữ hai là tiếng Anh.
"Về chuyên ngành ngoại ngữ tiếng Pháp, bọn mình phải học nhiều môn. Ngộp trong kiến thức sách vở, mình không còn nhiều thời gian để tự học. Với lại, thấy các anh chị khoá trước ra trường hầu như làm trái ngành, không sử dụng đến tiếng Pháp, mình cũng ngại đầu tư. Mang tiếng học ngoại ngữ hai là tiếng Anh, nhưng hầu như bọn mình thay phiên nhau bỏ học. Chương trình Headway không làm bọn mình hứng thú", Phương thú nhận.
Kể cả sinh viên khoa Anh cũng ngại giao tiếp bằng tiếp Anh. "Dẫu học trong môi trường đại học ngoại ngữ, nhưng bọn mình ít được tiếp xúc với người bản xứ", Minh Trang, ĐH Hà Nội tâm sự.
Thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA (giảng viên ĐH Hà Nội, gương mặt dạy tiếng Anh quen thuộc trên truyền hình), cho hay, nhiều sinh viên nghe nói kém, phát âm không chuẩn do không có môi trường tiếp xúc với người nước ngoài.
"Hiện nay, sinh viên có thể tự trau dồi tiếng Anh qua mạng Internet, qua băng đĩa... nhưng không phải em nào cũng có thói quen này. Đa số sinh viên tốt nghiệp đều sợ giao tiếp bằng tiếng Anh", thầy Hùng nhận định.
Còn theo TS Võ Đại Quang, Phó trưởng phòng Phòng Nghiên cứu Khoa học & Bồi dưỡng, ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc Gia Hà Nội, nhược điểm đầu tiên của sinh viên học ngoại ngữ ở Việt Nam là bị mất gốc, sinh viên chưa được tiếp cận phương pháp học tập đúng đắn. Các em học ôm đồm, bị mất cơ bản, mất gốc từ đầu nhưng thấy giáo trình nào cũng lao vào học, chẳng đâu vào đâu.
"Yếu tố quan trọng nhất trong dạy ngoại ngữ là dạy cách phát âm chuẩn. Nhưng đa số sinh viên phát âm sai, sau đó các em bị mất gốc, sửa mãi không được. Từ đó, sinh viên cảm thấy không tự tin khi sử dụng ngoại ngữ như một phương tiện giao tiếp", TS Quang đánh giá.
Thi cao học cũng học tủ, thủ phao
Thông thường, học ở trong các trường ngoại ngữ, giảng viên thường hướng sinh viên học mở, tự nghiên cứu. Nhưng cũng không hiếm sinh viên chỉ chăm chăm học đối phó, thụ động.
Tiếp xúc với một số sinh viên, không ít bạn thật thà: "Thi môn ngoại ngữ nào, bọn mình cũng có phao, kể cả thi nghe, vấn đáp".
Hoá ra, trước mỗi kỳ thi, đa số các môn đều có giới hạn. Sinh viên chỉ cần làm tài liệu, học tủ, và có thể thủ phao vào phòng thi.
"Ví dụ môn Nói, bọn mình có tới 10-15 chủ đề cho sẵn, có thể học tủ, hoặc cũng có thể thủ phao đâu đó. Sau khi bốc đề, bọn mình vẫn còn 5-10 phút chuẩn bị, viết những ý chính ra giấy. Lúc đó, giảng viên đang "quay" vấn đáp thí sinh khác, hơi đâu còn để ý đến mình nữa", một sinh viên ngoại ngữ tiết lộ.
Cao thủ hơn, các thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh đầu vào cao học ngoại ngữ cũng học tủ, thủ phao các môn ngoại ngữ.
Theo lời kể của một thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học, ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội cách đây hai năm, thí sinh này may mắn vì trúng tủ kỹ năng nghe và đọc hiểu.
"Từ kỳ thi tuyển sinh sau đại học năm 2005 trở về trước, đề thi cao học tiếng Anh đều thi theo dạng bài IELTS. Thế là tất cả các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, bọn mình đều "luyện tủ". Học hỏi kinh nghiệm của thí sinh các khoá trước, những tài liệu IELTS nào thường được chọn ra đề thi, bọn mình đều luyện qua, tuy đôi lúc chỉ học, nhớ theo cảm tính chứ không hiểu rõ vì sao nó đúng, vì sao phải dùng đáp án đó.
Sinh viên này còn tâm sự: "Thực trạng sinh viên ngoại ngữ kém... ngoại ngữ không chỉ ở cấp đại học. Bọn mình học cao học cũng chỉ giỏi viết thôi, chứ giao tiếp vẫn còn kém lắm. Suốt ngày chỉ làm tiểu luận, đợt này mình phải làm tới 8 tiểu luận, mỗi tiểu luận viết khoảng 15 trang, đều bằng tiếng Anh. Nào là Tiếp thụ ngôn ngữ 2, Tiếng Anh chuyên ngành ESP, Ngữ pháp chức năng, Tương tác ngôn ngữ & văn hoá, Ngữ âm, Nhân bản luận trong dạy học ngoại ngữ... Lo cho 8 tiểu luận với khoảng 120 trang khiến mình cũng quá mệt, chẳng còn thời gian đâu để học kiểu sáng tạo, luyện kỹ năng nghe nói"...
Nhiều giảng viên yếu kém
Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ giảng viên cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ngoại ngữ của sinh viên.
Trên diễn đàn ĐH Hà Nội, một cựu sinh viên đưa ra sáng kiến, nhà trường và sinh viên cùng tổ chức đánh giá chất lượng giảng viên rộng rãi trên diễn đàn nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của trường.
GS Nguyễn Xuân Vang, Hiệu trưởng ĐH Hà Nội, cũng thừa nhận, một số giảng viên đã không thực sự vươn lên và học tập để dạy tốt.
"Một vấn đề nữa là khi có kết quả đánh giá đối với giảng viên rồi thì sẽ làm gì? Với cơ chế hiện nay, rất khó đuổi việc các giảng viên đó vì còn nhiều quy chế ràng buộc, còn rất nhạy cảm. Một vấn đề khó nữa là làm thế nào để thu hút giảng viên giỏi trong khi nhà trường không đảm bảo cuộc sống của họ trong nền kinh tế thị trường này?
Hàng năm, ĐH Hà Nội tuyển 1.300 sinh viên, trong đó có hơn 200 chỉ tiêu được nhà nước cấp ngân sách. Học phí bị khống chế, không thu cao hơn được nên lương giáo viên tương đối thấp.
Thầy Vang chia sẻ: "Tôi hy vọng nhà trường có chính sách tài chính và chế độ tốt để sàng lọc giảng viên. Tháng 9/2006, trường thực hiện đào tạo theo tín chỉ một số môn học chung. Vài năm tới, sinh viên có quyền đăng ký học giảng viên nào dạy chất lượng. Như vậy, đương nhiên giảng viên nào không có sinh viên đăng ký thì theo quy trình tự nhiên sẽ bị đào thải".
Theo thầy Vang, đuổi việc những giảng viên chưa đạt yêu cầu chỉ là hạ sách. ĐH Hà Nội hiện đang tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao trình độ, mời chuyên gia nước ngoài đến kèm, giúp đỡ, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.