Mindmap - sơ đồ tư duy là một phương pháp ghi chép giúp tối ưu hoá khả năng ghi nhớ của trí não. Đây là một phương pháp giúp chúng ta hệ thống nội dung và làm nổi bật những thông tin quan trọng giúp bộ não ghi nhớ tốt hơn. Chúng ta có thể ứng dụng nhiều loại mindmap khác nhau trong ghi chép tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng. Cùng IOE tìm hiểu những bước tạo sơ đồ tư duy hiệu quả trong bài viết dưới đây nhé.
>>> THAM GIA SỰ KIỆN TẠI ĐÂY <<<
Những bước tạo sơ đồ tư duy hiệu quả
Bước 1: Xác định chủ đề chính và mục tiêu của sơ đồ tư duy
Trước khi bắt tay vào xây dựng sơ đồ tư duy, chúng ta cần xác định nội dung chủ đề, đề tài cần hướng đến; cũng như xác định những từ khoá quan trọng.
Bước 2: Tổ chức thông tin
Các từ khoá và ý tưởng có thể được sắp xếp theo nhiều cách khác nhau tuỳ theo mục đích của sơ đồ tư duy. Chúng ta cần xác định đâu là thông tin lớn và đâu là thông tin phụ (thông tin nhỏ bổ sung cho thông tin lớn) và mối liên hệ giữa các thông tin với chủ đề chính để có thể xây dựng mindmap hiệu quả.
Bước 3: Sử dụng màu sắc, hình ảnh và biểu tượng
Để sơ đồ tư duy trở nên ấn tượng và giúp ghi nhớ lâu hơn, chúng ta nên sử dụng màu sắc và hình ảnh phù hợp để làm nổi bật thông tin và ý tưởng trong đó. Chúng ta có thể quy định màu sắc đại diện cho chủ đề hoặc thông tin nào đó, sử dụng các biểu tượng hoặc các ký hiệu cụ thể.
Lưu ý tránh sử dụng quá nhiều màu sắc, hình ảnh và biểu tượng cũng như không nên ghi chú quá dày đặc để sơ đồ tư duy không bị rối mắt.
Các loại sơ đồ tư duy
Tree map (Sơ đồ cây)
Dạng sơ đồ cây rất hữu ích trong việc hệ thống những thông tin phức tạp, bởi dạng sơ đồ này giúp chúng ta nhìn thấy mối quan hệ và thứ tự của các thông tin. Chủ đề chính giống thân cây, từ thân cây toả ra nhiều nhánh lớn (những ý chính) và từ nhánh lớn toả ra nhiều nhánh phụ (những ý nhỏ). Dạng sơ đồ này giúp đem đến cái nhìn tổng quan và rõ ràng về một chủ đề.
Flow map (Sơ đồ luồng)
Sơ đồ tư duy luồng là dạng sơ đồ trình bày một chuỗi các bước hoặc một giai đoạn. Dạng sơ đồ này sẽ bắt đầu từ bước đầu tiên, sau đó đến một loạt các bước tiếp theo để dẫn đến kết quả hoặc kết luận cuối cùng. Sơ đồ luồng phù hợp để diễn tả các quy trình, thủ tục hoặc sự kiện xảy ra theo một trình tự xác định, giúp chúng ta hình dung rõ hơn một chuỗi sự kiện, đem đến cái nhìn tổng quan và có tổ chức, sắp xếp.
Bubble map (Sơ đồ bong bóng)
Dạng sơ đồ bong bóng phù hợp để miêu tả đặc tính một chủ đề. Dạng sơ đồ này có một bong bóng trung tâm ghi chủ đề, những bong bóng nhỏ hơn mô tả đặc điểm và các thông tin khác.
Double bubble map (Sơ đồ bong bóng đôi)
Sơ đồ tư duy bong bóng kép làm nổi bật sự tương đồng và khác biệt giữa hai chủ đề. Dạng sơ đồ này có hai chủ đề trung tâm, được kết nối với nhau bằng những bong bóng đại diện cho những đặc điểm tương đồng giữa hai chủ đề. Những bong bóng còn lại hướng về hai bên là những điểm khác nhau của hai chủ đề chính.
Multi flow map (Sơ đồ đa luồng)
Dạng sơ đồ đa luồng giúp chúng ta thấy được nguyên nhân và kết quả của một sự kiện. Phía bên trái sơ đồ thường biểu hiện nguyên nhân, từ đó dẫn đến chủ đề chính ở giữa, từ đó suy ra những hậu quả được biểu diễn bên phải sơ đồ.
Có thể nói, sơ đồ tư duy là một “vũ khí” giúp chúng ta ghi nhớ thông tin tốt hơn cũng như giúp những bài học trở nên trực quan, sinh động hơn. Nhằm giúp các bạn học sinh luyện tập khả năng thực hành tiếng Anh để lập kế hoạch, BTC IOE triển khai sự kiện “Summer Challenge: Visualize Your Mind”. Cùng xem những thông tin chi tiết về sự kiện tại ĐÂY.
-------------------
Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể khám phá thế giới học tập diệu kỳ cùng Betia English - Ứng dụng luyện nói tiếng Anh với cốt truyện thú vị và hấp dẫn tại: https://betiaenglish.go.vn/landing
BTC IOE sưu tầm và biên soạn