Trẻ em Sapa: Tiếng Anh và du lịch
Th.tư, 22/06/2011, 10:10 Lượt xem: 3750

Học rong trên lưng mẹ

Tại Sapa, khách du lịch ở khắp nẻo cho ta cái cảm giác ở đâu cũng rì rầm tiếng Kinh, tiếng Anh và tiếng của các dân tộc như H’Mông, Dao.

Người mẹ trẻ Giàng Seo Mùng ở bản Tả Phìn cõng con trên lưng, tay cầm miếng thổ cẩm chạy theo những khách du lịch nước ngoài. Chị vừa thuyết minh, vừa chào mời bằng tiếng Anh một cách lưu loát. Đoàn khách mỉm cười, ngạc nhiên và xen vào những câu hỏi tiếng Anh thú vị. Mùng bán được miếng thổ cẩm với giá 10 nghìn đồng. “Thế là thành công”, chị ta tự hào khoe. Trên lưng Mùng đứa con bốn tuổi cứ tròn xoe mắt. Mùng cõng con lâu nên đã mệt, chị thả con xuống nền đất và giúi vào tay con mấy cái dây treo chìa khóa. Đứa con của Mùng lẫm chẫm bước đến gần hai người khách nước ngoài nói lưu loát: “Buy for me”.

Ở Sapa những người mẹ địu con, chị địu em một ngày cũng gặp cả trăm người khách du lịch. Khách hỏi về nhà cửa, tên, tuổi, gia đình, mùa vụ, thu nhập. Đa số mọi người đều trả lời lưu loát được bằng tiếng Anh. Con học của mẹ, mẹ học của các mẹ khác, em học của chị và những người bạn học lẫn nhau. Người nọ bảo người kia học. Bởi thế nên tiếng Anh được cộng đồng ở đây nói khá trôi chảy.

Giàng Seo Dền là người ở bản Cát Cát (bản du lịch ở Sapa). Chị nghĩ đơn giản về việc học tiếng Anh và đón khách du lịch: “Được học sẽ biết nấu ăn, dọn nhà và tiếp khách. Khách ở nhà mình, nhà từ nghèo sẽ khá lên”. Nghĩ như vậy nên khi có cơ hội chị đã cho cả ba người con của mình đi học tiếng Anh. Bây giờ tiếng Anh là một phần cuộc sống ở bản và là điểm tựa để kinh tế ở nhiều bản vùng cao phát triển.

 

Tận dụng thế mạnh

Người H’Mông ở Sapa ghi âm tiếng nói của mình bằng chữ cái La Tinh, nó là cơ sở để họ có thể phát âm hay ghi lại tiếng Anh một cách dễ dàng. Đó là thế mạnh mà không phải dân tộc ít người nào cũng có.

“Hai năm trước, ở Tả Phìn có hẳn một dự án tiếng Anh do những thầy cô giáo người Canada dạy, con mình cũng đi học”, Chẻo Mán Mẩn - một người phụ nữ Dao chia sẻ. Nằm trong khuôn khổ dự án ‘Hỗ trợ người dân tộc thiểu số làm du lịch’, người ở Tả Phìn được học tiếng Anh miễn phí, trong quá trình học được hỗ trợ bữa ăn trưa. Mẩn lấy đó là một lý do để giải thích việc ở Tả Phìn, có nhiều em năm tuổi đã nói được tiếng Anh với ngữ nghĩa đơn giản.

Dưới những tán cây, vách núi, bờ suối ở huyện vùng cao này hay có những khách nước ngoài lang thang một mình. Trẻ Sapa mon men đến bán hàng và đôi khi chúng trở thành ‘bạn đồng hành’ bất đắc dĩ. Các âm từ mà trẻ phát âm sai được các vị khách sửa cho đúng, vài ba từ mới được dạy thêm đi kèm ngôn ngữ cơ thể. Nhờ những cơ hội đời thường này trẻ em Sapa có vốn từ phong phú và phát âm rất chuẩn. Việc nói chuyện liên tục với người nước ngoài, học hỏi từ họ đã giúp trẻ em ở đây có được phong thái nói chuyện tự nhiên và tự tin nhất./.

 

 

Source: langbian