Ôn gì cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10?
Th.hai, 26/03/2018, 11:03 Lượt xem: 1690

 

Học sinh lớp 9 tại TP.HCM ráo riết bước vào đợt ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào đầu tháng 6
Bài toán dạng thực tế ra sao ?

Giáo viên Đặng Hữu Trí, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) thông tin, trong hướng dẫn chuyên môn mới nhất của Sở GD-ĐT TP về kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nêu rõ đề thi sẽ có từ 8 đến 9 câu hỏi. Trong đó 5 câu là kiến thức cơ bản, 2 câu là bài toán thực tế. Giáo viên các quận huyện thống nhất một bài hình học gồm 3 câu hỏi nhỏ với 2 câu đầu là kiến thức thông hiểu, vận dụng, câu cuối là vận dụng cao.
Ở bài toán thực tế, giáo viên Hữu Trí cho hay đó là các dạng bài về lãi suất, tỷ lệ phần trăm, chuyển động… Để giải được những bài này, học sinh (HS) ôn tập kiến thức về phương trình bậc nhất hoặc hệ phương trình bậc nhất 2 ẩn ở mức độ là vận dụng chứ không phải yêu cầu quá khó.
Ở bài tập hình học, theo ông Trí, Sở đã thống nhất không đưa kiến thức chương 4 của chương trình lớp 9 là hình trụ, hình nón, hình cầu vào đề thi. Còn lại HS nên ôn kiến thức đường tròn, 5 loại góc chắn cung, tứ giác nội tiếp, độ dài cung tròn, chu vi hình tròn. Ngoài ra cũng nên ôn lại kiến thức đã học ở lớp 8 nhưng có liên thông sử dụng cho lớp 9 là định lý Talet, tam giác đồng dạng, diện tích các hình.

Chú ý dạng đề mới môn ngữ văn

Theo giáo viên Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), từ cấu trúc đề thi của Sở GD-ĐT, phần đọc - hiểu là những văn bản ngoài sách giáo khoa nên HS phải biết vận dụng kiến thức để giải quyết các bài tập tình huống chứ không thể học tủ học vẹt. Bởi với phần yêu cầu này, người ra đề chú trọng những kiến thức giải quyết tình huống, đặt giả định như đặt nhan đề cho văn bản hay khái quát nội dung hoặc ứng dụng các đơn vị ngữ pháp để thực hiện văn bản…
Ở phần nghị luận xã hội, HS nên chú trọng vào 2 kiểu bài điển hình là nghị luận xã hội và tư tưởng. Chắc chắn hình thức ra đề sẽ phong phú, giáo viên và HS không thể đoán tủ. Bên cạnh đó HS nên chú ý dạng bài tương đối lạ và mới đó là từ một tác phẩm văn học, nội dung của tác phẩm văn học để yêu cầu thí sinh nghị luận một vấn đề xã hội. Chẳng hạn đề trích dẫn một vài khổ thơ trong bài Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải sau đó yêu cầu trình bày khát vọng sống, ý tưởng cống hiến của con người trong đời sống xã hội. Với dạng đề này HS có thể bỡ ngỡ vì thông thường nghĩ rằng nghị luận xã hội phải lấy tư liệu từ các vấn đề xã hội nhưng nay có thể xảy ra, vì qua đó người ra đề muốn các em thể hiện hiểu biết về vấn đề xã hội.
Đối với phần bài nghị luận văn học, cơ bản phải nắm chắc nội dung, nghệ thuật từ đó biết bày tỏ suy nghĩ, nhận xét, đánh giá, cảm nhận riêng về tác phẩm văn học. Những năm gần đây, nội dung đề thi không sa đà vào chú trọng lượng kiến thức mà xu hướng thiên về cảm nhận. Rất ít đề ra trong một tác phẩm mà trích dẫn từ 2 tác phẩm trở lên để HS tìm ra sự giống, khác nhau, so sánh, đối chiếu. Với cách ra đề này, HS phải học hiểu, không máy móc và phải biết vận dụng kiến thức liên hệ cuộc sống hiện tại.
Để việc ôn thi hiệu quả, HS không chỉ nắm vững kỹ năng làm bài mà phải biết sắp xếp, xâu chuỗi tác phẩm theo chủ đề để khi gặp dạng đề tổng hợp thì dễ dàng rút ra điểm chung, so sánh. Và từ chủ đề đó nên tìm hiểu tấm gương, nhân vật liên quan trong cuộc sống hiện tại. Việc tìm hiểu này không bao giờ thừa vì có thể phục vụ cho nghị luận xã hội khi cần thiết và dùng cho phần cuối bài nghị luận văn học khi liên hệ mở rộng. Nếu có nội dung này, dù đề có yêu cầu hay không thì HS cũng chứng tỏ bài viết gần gũi, đời thường, thuyết phục người chấm.
Giảm bớt câu hỏi phần ngữ pháp môn tiếng Anh

Từ hướng dẫn chuyên môn môn tiếng Anh đối với kỳ thi tuyển sinh lớp vào 10 năm học 2018 - 2019 của Sở GD-ĐT TP, giáo viên Trần Hữu Thắng, Tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) lưu ý HS phải nắm được những điều sau: Ôn tập từ vựng thật kỹ, đọc kỹ các bài đọc trong sách giáo khoa. Nắm phần từ loại của một số từ trọng tâm trong các chủ đề.
Năm nay trong đề thi sẽ giảm bớt những câu hỏi phần yếu tố ngữ pháp mà nghiêng về phần ngữ nghĩa hơn. Do vậy, HS nên tập trung vào những chủ điểm ngữ pháp chính như: Câu bị động (Passive Voice), Câu tường thuật (Reported Speech), Mệnh đề Wish, Câu điều kiện (Conditional Sentences), Mệnh đề quan hệ (Relative Clause) và sự chuyển đổi câu giữa thì quá khứ và thì hiện tại hoàn thành. Để ý những cụm từ, cụm động từ trong sách giáo khoa. Về ngữ nghĩa, lúc học theo sách giáo khoa, HS cần gạch dưới hay ghi chú những cụm từ đặc biệt, động từ nào với giới từ nào (ví dụ: arrive in) hoặc tính từ nào với giới từ nào (ví dụ: proud of). HS cũng phải nắm được những biến đổi của những từ trọng tâm trong bài khóa, ví dụ: impress (verb), impression (noun) và impressive (adjective).
Ngoài ra, thầy Trần Hữu Thắng cho hay đề thi năm nay có sự thay đổi là 2 câu tìm lỗi sai sẽ được thay thế bằng 2 câu chọn lựa qua hình ảnh thường là bảng cảnh báo (sign). Đối với trường hợp này HS chú ý đến dấu gạch chéo xuống (có nghĩa là cấm) và chú ý đến những động từ phương thức modal verbs như can, must, should khi làm bài.
(Theo thanhnien.vn)