Câu chuyện về Trung thu tại một số quốc gia
Th.hai, 25/09/2023, 14:47 Lượt xem: 14094

Tết Trung thu là một dịp lễ quen thuộc với mỗi chúng ta. Ở Việt Nam, mỗi khi nhắc đến dịp lễ này, chắc hẳn chúng ta đều quen thuộc với câu chuyện chú Cuội và chị Hằng trên cung trăng. Vậy những câu chuyện gắn liền với Tết Trung thu tại các quốc gia trên thế giới có gì khác biệt? Cùng IOE tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

 

1. Việt Nam


 

Tết Trung thu ở Việt Nam gắn liền với hình ảnh chú Cuội. Chuyện kể rằng, trong một lần vào rừng, chú Cuội tìm được một cây thần có khả năng chữa bệnh và cứu sống người và đem về nhà trồng. Cuội chỉ dùng nước giếng sạch để tưới cây và từ ngày có cây thuốc quý, Cuội đã cứu sống rất nhiều người. 

 

Tuy nhiên, đến một ngày nọ, Cuội đi vắng và vợ Cuội quên mất lời dặn của chồng nên đã dùng nước bẩn tưới cây. Vừa tưới xong, cây thần bỗng đảo mạnh, bật gốc và lững thững bay lên trời. Đúng lúc đó, Cuội về đến nhà. Thấy cảnh tượng đó, Cuội vội nhảy lên túm lấy thân cây với mong muốn kéo cây ở lại. Cuối cùng, cả cây và Cuội bay lên cung trăng.

 

Kể từ đó, Cuội ở trên cung trăng cùng cây quý của mình. Tương truyền rằng, mỗi khi nhìn lên mặt trăng, chúng ta lại thấy bóng hình cây cổ thụ cùng người ngồi dưới gốc cây và gọi đó là chú Cuội ngồi gốc cây đa.

 

2. Trung Quốc

 

Trung Quốc có những câu chuyện khác nhau về Tết Trung thu. Đầu tiên, phải kể đến truyền thuyết về Hằng Nga và Hậu Nghệ, vốn được lưu truyền rộng rãi như sau: 

 

 

“Vào thời xa xưa, trên bầu trời xuất hiện 10 mặt trời cùng lúc, thiêu đốt cỏ cây và làm cho cuộc sống con người khốn khó. Khi ấy, một cung thủ tên Hậu Nghệ đã xuất hiện và bắn rụng 9 mặt trời, để lại một mặt trời chiếu sáng và sưởi ấm cho nhân gian. Sau đó, Hậu Nghệ gặp gỡ và kết hôn cùng Hằng Nga, một người phụ nữ tốt bụng và xinh đẹp.

 

Để trả ơn Hậu Nghệ, Tây Vương Mẫu đã ban cho anh một viên thuốc để giúp anh thành thần. Hậu Nghệ cất viên thuốc trong hòm. Một kẻ xấu biết được và nhân lúc Hậu Nghệ đi vắng, hắn đã đến và bắt Hằng Nga giao viên thuốc ra. Hằng Nga đã nuốt viên thuốc và bay thẳng về trời, ở trên cung trăng và ngày đem trông ngóng được trở về quê hương.

 

Vì quá thương nhớ vợ, cứ vào dịp trăng tròn, Hậu Nghệ lại bày một mâm cỗ toàn món vợ thích để cô thấy được từ trên cung trăng. Người dân đã noi theo với mong ước sum vầy và cầu may từ Hằng Nga.”

 

 

Dân gian còn lưu truyền một câu chuyện về thỏ ngọc trên cung trăng. Theo truyền thuyết, 3 vị thần nọ đã cải trang thành những người nghèo khó để thử lòng 3 con vật là cáo, khỉ và thỏ. Khỉ và cáo đã trao cho họ thức ăn, chỉ còn lại duy nhất thỏ không có gì. Thỏ đã nói “Các vị hãy ăn thịt tôi” và nhảy vào đống lửa. Cảm động trước lòng tốt của thỏ, 3 vị thần đã đưa nó lên cung trăng, ở bên Hằng Nga hàng ngày giã thuốc trường sinh cho các vị thần. 

 

3. Hàn Quốc
 


 

Lễ Chuseok có từ thời Gabae của nước Silla. Tương truyền, vua Yuri, quân vương thứ ba của triều Silla, là người đầu tiên thiết lễ Chuseok, vốn nguyên bản là một cuộc thi tài. Theo đó, nhà vua sẽ tổ chức cho các đội nữ nhi ở kinh thành thi dệt vải. Từ 16/7 Âm lịch đến 14/8 Âm lịch, nếu ai dệt được nhiều hơn sẽ được khao một bữa cỗ to. Từ đó trở đi, Chuseok trở thành ngày lễ vui chơi trong văn hoá người Hàn Quốc.

 

4. Nhật Bản

 

 

Nhật Bản cũng lưu truyền một câu chuyện Trung thu về Thỏ ngọc, tương truyền rằng, ngày xửa ngày xưa, Thần Mặt trăng đã đến Trái Đất và ngài đã gặp một con khỉ, một con cáo và một con thỏ. Thần hỏi xin đồ ăn từ những con vật này. Con khỉ leo lên cây hái quả, con cáo xuống sông bắt cá đem đến dâng lên cho vị thần này. Con thỏ đã đề nghị hy sinh thân mình, nhảy vào đống lửa làm thức ăn cho vị thần. Cảm động trước tấm lòng của thỏ, vị thần đã ngăn nó lại và cho nó lên cung trăng sống cùng mình. Người dân cho rằng giờ đây vẫn có thể nhìn thấy hình ảnh chú thỏ giã bột làm bánh mochi trên cung trăng.

 

Những câu chuyện Trung thu của các nước thật thú vị, phải không nào? Cùng khám phá Tết Trung thu tại các quốc gia qua sự kiện “Happy Mid-Autumn Festival” trên trang chủ ioe.vn nhé. 


 

Ban Tổ chức IOE sưu tầm và biên soạn